You are currently viewing Phân biệt: nhãn hiệu, logo, thương hiệu, tên công ty, tên doanh nghiệp và tên thương mại

Phân biệt: nhãn hiệu, logo, thương hiệu, tên công ty, tên doanh nghiệp và tên thương mại

Thông thường, chúng ta hay gọi là “thiết kế logo”, đặt “tên công ty”, “thương hiệu” cà phê Trung Nguyên, đăng ký “logo/thương hiệu”,…
Vậy, thuật ngữ chính xác theo quy định của pháp luật là gì?

1. LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009):
– Căn cứ khoản 16 và khoản 21 Điều 4 Luật này quy định:
“16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
“21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.”
– Căn cứ khoản 1 Điều 72 Luật này quy định:
“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;”

2. LUẬT THƯƠNG MẠI 2005:
Tại Mục 8 quy định về “Nhượng quyền thương mại” của Luật này sử dụng thuật ngữ “Tên thương mại”.

3. LUẬT DOANH NGHIỆP 2014:
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật này quy định:
“Điều 38. Tên doanh nghiệp
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.”

*KẾT LUẬN:
– Thứ nhất, “logo” và “thương hiệu” là cách gọi thông thường, về pháp lý, chúng được gọi chung là “nhãn hiệu”.
Nhãn hiệu có nhiều dạng thể hiện: chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó,…, nói dễ hiểu, nhãn hiệu gồm phần chữ (có thể là tên doanh nghiệp, tên thương mại) và phần hình (có thể là logo).
– Thứ hai, “tên công ty” là cách gọi thông thường, về pháp lý, chính là “tên doanh nghiệp”.
Có 04 loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH (1 TV hoặc 2 TV trở lên) và Công ty cổ phần; như vậy, “tên công ty” có thể nói là “nghĩa hẹp” của “tên doanh nghiệp”.
– Thứ ba, “tên thương mại” là một thuật ngữ được sử dụng nhiều lần khi quy định về “Nhượng quyền thương mại” trong Luật Thương mại nhưng không có điều khoản định nghĩa rõ thuật ngữ này.
Trên đây là những phân tích nhằm làm rõ các thuật ngữ liên quan đến Nhãn hiệu. Nếu các bạn có vấn đề gì còn chưa rõ thì đừng ngần ngại liên hệ D&P LEGAL theo thông tin thể hiện ở cuối website hoặc truy cập Fanpage để lại lời nhắn cho chúng tôi.

Để lại một bình luận