Thực tế vẫn còn nhiều sự nhầm lẫn về xác định một vụ án sẽ được điều chỉnh theo pháp luật hình sự hay pháp luật dân sự.
Do đó, D&P Legal xin nêu ra một số tiêu chí chủ yếu (được viết bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu và giản lược nhất có thể) để mọi người có thể phân biệt được vụ án hình sự (sau đây viết tắt là “HS”) và vụ án dân sự (sau đây viết tắt là “DS”).
Hy vọng bài viết hữu ích cho mọi người!
I. LUẬT ÁP DỤNG CHÍNH
1.1 HS: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.
1.2 DS: Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự.
II. MỐI QUAN HỆ ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH
2.1 HS: Quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân/ tổ chức.
2.2 DS: Quan hệ giữa cá nhân/ tổ chức với nhau trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện.
III. CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
3.1 HS: Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Tòa án.
3.2 DS: Tòa án; Viện kiểm sát.
IV. NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG
4.1 HS: bị can, bị cáo, bị hại;…
4.2 DS: đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan);…
V. CƠ SỞ BẮT ĐẦU QUÁ TRÌNH TỐ TỤNG
5.1 HS: Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
5.2 DS: Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán ra thông báo thụ lý vụ án.
VI. NGHĨA VỤ CHỨNG MINH
6.1 HS: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Nhà nước). Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
6.2 DS: Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
VII. THỎA THUẬN
7.1 HS: Người bị buộc tội không có quyền thỏa thuận với Nhà nước và các chủ thể tham gia tố tụng khác (không đặt ra vấn đề hòa giải)
7.2 DS: Đương sự có quyền thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội (hầu hết có hòa giải).
VIII. CÁC GIAI ĐOẠN TỐ TỤNG
8.1 HS: Khởi tố => Điều tra => Truy tố => Xét xử (Sơ thẩm, Phúc thẩm (nếu có)) => Thi hành án => Giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có).
8.2 DS: Thụ lý vụ án => Chuẩn bị xét xử (Hòa giải,…) => Xét xử (Sơ thẩm, Phúc thẩm (nếu có)) => Thi hành án => Giám đốc thẩm, Tái thẩm (nếu có).
IX. HẬU QUẢ PHÁP LÝ
9.1 HS: Tòa án có thể tuyên bị cáo phải thực hiện các hình phạt sau:
– Hình phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.
– Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Sau khi thi hành án: người bị kết án phải chịu án tích trong thời hạn nhất định
9.2 DS: Bên thua kiện bị buộc phải thực hiện một trong các nghĩa vụ sau: chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ (như hoàn trả/ thanh toán tiền, tài sản, trả lãi,…); bồi thường thiệt hại.
X. NGHĨA VỤ CHỊU ÁN PHÍ, ÁN PHÍ
(Được quy định chi tiết tại Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội).
10.1 HS: Người chịu án phí: bị cáo, người kháng cáo (trong trường hợp Tòa án giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm), …
10.2 DS: Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, người kháng cáo (tương tự Mục 10.1).
Ngoài ra, còn các tiêu chí khác như: Thời hiệu; Các biện pháp tố tụng; Sự có mặt có người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; Giới hạn của việc xét xử; Đối với vấn đề dân sự được giải quyết chung với vụ án hình sự; Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; Người có quyền kháng cáo; Phạm vi xét xử; Thủ tục đặc biệt/ Thủ tục rút gọn; Người bào chữa/ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, v.v…
(Ảnh minh họa: Luật Dân sự với Luật Hình sự: Nói về những sự khác biệt)