Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ 2019”) chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021 đã có nhiều thay đổi so với Bộ luật Lao động 2012 (“BLLĐ 2012”), D&P Legal xin chia sẻ những điểm đáng lưu ý như sau:
1. Không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ và ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử
Điều 14 BLLĐ 2019 đã ghi nhận thêm trường hợp hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.Điều 20 BLLĐ 2019 chỉ còn 02 loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn (thay vì là 03 loại hợp đồng lao động như trước đây).
2. Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do
Điều 37 BLLĐ 2012 quy định người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều nay và phải thực hiện báo trước cho người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, Điều 35 BLLĐ 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước ít nhất 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn (có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng) và ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn.
3. Bổ sung quy định về những trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước
Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019 quy định trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước. Cụ thể như: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hay điều kiện làm việc không theo thoả thuận; Không được trả lương hoặc trả lương không đúng hạn; Bị ngược đãi, đánh đập, nhục mạ hoặc bị quấy rối tình dục,…
4. Không quy định mức lương tối thiểu ngành
Khoản 2 Điều 91 BLLĐ 2019 quy định mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ (bỏ quy định xác lập theo ngành và ấn định theo ngày so với quy định tại BLLĐ 2012).
5. Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ và được sử dụng lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu được sự đồng ý của người lao động
Tại Điều 107 BLLĐ 2019, không tăng thời giờ làm thêm giờ trong năm. Tuy nhiên, số giờ làm thêm trong tháng tăng lên không quá 40 giờ (thay vì 30 giờ như BLLĐ 2012 quy định).
Tại điểm b khoản 1 Điều 137 BLLĐ 2019, người sử dụng lao động được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu được người này đồng ý.
6. Quốc khánh được nghỉ 02 ngày và hưởng nguyên lương
Điều 112 BLLĐ 2019 bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề trước hoặc sau với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm.
7. Bổ sung thêm trường hợp nghỉ việc được hưởng nguyên lương
Điều 115 BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì được nghỉ 03 ngày.
8. Sử dụng dưới 10 lao động cũng phải có Nội quy lao động
Tại Điều 118 BLLĐ 2019 quy định người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động. Trong trường hợp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
9. Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi
Tại Điều 149 BLLĐ 2019 cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi (thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như quy định tại BLLĐ 2012).
10. Tăng tuổi nghỉ hưu và thay đổi điều kiện hưởng lương hưu
Điều 169 BLLĐ 2019 so với BLLĐ 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng lên đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định ràng hơn.
Trên đây là 10 điểm nổi bật cần lưu ý của BLLĐ 2019, hy vọng hữu ích cho bạn. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung khác cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.