Thời gian gần đây, nhiều người có ảnh hưởng đang bị đặt nghi vấn trong việc minh bạch khi từ thiện, nhiều mạnh thường quân sau khi ủng hộ thắc mắc liệu tiền đã được đặt đúng chỗ đúng mục đích hay chưa? “Ăn chặn” tiền từ thiện là một vấn đề nổi cộm tại Việt Nam sau mỗi lần ủng hộ. Tinh thần tương thân tương ái, ai có của góp của, ai có công góp công; ai có sức góp sức; ai không thể trực tiếp giúp đỡ thì gián tiếp giúp đỡ. Bên cạnh những chính sách giúp đỡ của Nhà nước; người dân cũng đóng góp một phần không nhỏ. Tuy nhiên, có những người lợi dụng tình hình này để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vậy cá nhân có hành vi “ăn chặn” tiền từ thiện có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
✅ Cơ sở pháp lý
– Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS 2015)
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (gọi tắt là Nghị định 167)
💲 Khái niệm xoay quanh việc “ăn chặn” tiền từ thiện theo góc nhìn pháp luật hình sự
1️⃣ Thế nào là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Nếu ý định chiếm đoạt có ngay từ đầu nghĩa là cố tình đưa ra thông tin có sự việc ủng hộ từ thiện nhưng thực tế không có bất kỳ hoạt động từ thiện nào, làm cho mọi người tin tưởng và chuyển tiền ủng hộ nhằm mục tích chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 2.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa bị xóa án tích…) . Đây được xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người kêu gọi từ thiện dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó
2️⃣ Thế nào là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?
Dựa vào uy tín của bản thân, lòng tin của người khác với mình để kêu gọi ủng hộ từ thiện nhưng sau khi nhận được tiền ủng hộ một cách hợp pháp lại sử dụng không đúng mục đích đã kêu gọi ban đầu nhằm chiếm đoạt tiền từ thiện từ 4.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý về hành vi chiếm đoạt tài sản tài sản hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích…).
👮♂️ Hành vi “ăn chặn” tiền từ thiện sẽ có thể bị xử lý như thế nào?
Tùy vào mức độ thiệt hại, dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có thể bị truy cứu theo trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.
1️⃣ Trách nhiệm hành chính
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167 thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác.
2️⃣ Trách nhiệm hình sự
❗ Hành vi bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 với các mức hình phạt:
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
– Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu thuộc trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
– Bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
– Bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
❗ Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 với các mức hình phạt sau:
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tái phạm nguy hiểm
.– Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên
Hình phạt bổ sung
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng 100.000.000 đồng
– Bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm
– Bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
❓ Tình huống đặt ra
Đối với những cá nhân có ảnh hưởng (có thể là nhà báo, blogger, vlogger, công chúng, người có chuyên môn trong một vài lĩnh vực nhất định, hoặc bất kỳ cá nhân người đã tích lũy một số lượng lớn người theo dõi trên phương tiện truyền thông xã hội.) thực hiện hành vi “ăn chặn” tiền từ thiện cứu trợ người dân miền trung bị lũ lụt hay tiền quyên góp hỗ trợ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng thì sao?
Đối với những trường hợp này thì cần đến nghiệp vụ điều tra của công an để xác định thời điểm phát sinh ý định chiếm đoạt tài sản, cấu thành tội phạm cũng như thu thập chứng cứ. Như phân tích của bài viết trên thì có thể rơi vào 1 trong 2 tội danh:
– Nếu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì căn cứ Khoản 4 Điều 174 bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Nếu tội lợi dụng dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì căn cứ Khoản 4 Điều 175 bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Bên cạnh đó việc áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điểm l Khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” thì cá nhân đó sẽ bị tuyên mức cao nhất của khung hình phạt. Ngoài ra có thể áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề một thời gian hoặc bị tịch thu tài sản cho cả 2 tội danh.
___________________________
Ảnh minh hoạ: Họa sĩ ndiep
⚜D&P hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn!
🔅Truy cập Fanpage để cập nhật thêm nhiều thông tin pháp lý khác./.