Tối ngày 6/12/2021 khi phát sóng trận đấu giữa Đội tuyển Quốc gia Việt Nam và Đội tuyển Quốc gia Lào trong khuôn khổ vòng loại AFF Cup 2020, trong phần hát Quốc gia của trận đấu, người hâm mộ theo dõi trên nền tảng YouTube NEXT SPORTS không thể nghe được âm thanh trong khi trên sân vận động các cầu thủ đang tiến hành nghi thức chào cờ hát Quốc ca Việt Nam. Màn hình trận đấu xuất hiện dòng chữ “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cơ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”. Vì sao sự cố hy hữu này lại xảy ra, vậy Quốc ca Việt Nam (bài hát Tiến quân ca) do ai là chủ sở hữu, ai được quyền sử dụng?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Như vậy bản ghi âm tác phẩm Tiến quân ca là một đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả. Bài hát Tiến quân ca được kết hợp hai thành phần là phần nhạc và phần lời. Theo quy định tại Điều 30 Luật SHTT thì khi một đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình, họ có quyền với bản ghi do mình tạo ra. Vì vậy bản ghi âm, ghi hình có thể được bảo hộ dưới hình thức là quyền liên quan đến quyền tác giả cho bản ghi tương ứng khi đáp ứng các điều kiện được bảo hộ theo quy định của Luật SHTT.
Được biết năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam, và Bộ văn hóa thể thao và du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Bản ghi Tiến quân ca có nhiều đơn vị sản xuất và họ là chủ sở hữu của bản ghi, nên muốn sử dụng bản ghi thì phải được sự cho phép của đơn vị sản xuất bản đó. Đối với tác phẩm Tiến quân ca thì người sử dụng phần lời bài hát thì không phải xin phép; còn trường hợp dùng bản ghi, hòa âm tác phẩm Tiến quân ca thì phải xin phép và có thể trả tiền bản quyền cho đơn vị sản xuất.
Quay lại vụ việc tối ngày 6/12, do phía Việt Nam sử dụng ca khúc Tiến quân ca bản hòa âm phối khí của X Audio Video đã được đăng ký bản quyền nên kênh Youtube NEXT SPORTS quyết định tắt tiếng trong phần lễ chào cờ để không mất tiền bản quyền. Tóm lại, hiện tại bài hát Tiến quân ca (phần lời và nhạc) thuộc sở hữu nhà nước, còn các bản hòa âm phối khí bài hát thuộc sở hữu của đơn vị sản xuất. Để tránh tình trạng trên lặp lại, chúng ta có thể sử dụng bản ghi Tiến quân ca đã được đăng tải trên website Chính phủ trong các buổi lễ chào cờ.
_____________________
Ảnh minh hoạ: bienphong.com.vn
⚜D&P hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn!
🔅Truy cập Fanpage để cập nhật thêm nhiều thông tin pháp lý khác./.