1/ Tóm tắt nội dung vụ việc
– Năm 1969, ông T1 chung sống với bà T2 có 02 con chung là P2 và P3, năm 1982 vì mâu thuẫn nên bà T2 bỏ đi vào Vũng Tàu sinh sống và kết hôn với D;
– Năm 1985, ông T1 chung sống với bà S có con chung là P1;
– Năm 1987, UBND thị xã K cấp cho ông T1 diện tích 8.500m2 đất, ông và bà S đã xây nhà trên diện tích trên, được cấp quyền sở hữu nhà ở và là tài sản chung;
– Ngày 26/03/2002 (AL), ông T1 chết không để lại di chúc, toàn bộ tài sản do P2 và P3 quản lý sử dụng;
– Ngày 08/10/2004, chị P1 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông T1, bà S cũng có đơn yêu cầu chia tài sản chung.
2/ Cơ sở pháp lý có liên quan
– Điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015):
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
– Khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000:
“3. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”
– Điểm c.1 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000:
“c.1. Người đang có vợ hoặc có chồng là:
– Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”.
– Điều 1 Luật Hôn nhân gia đình năm 1959:
“Điều 1
Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hoà thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ”.
3/ Tóm tắt phương án giải quyết (là nội dung tóm tắt của Án lệ)
– Tòa án nhận định bà T2 chung sống với ông T1 không đăng ký kết hôn, đến năm 1982 bà bỏ vào Vũng Tàu lấy ông D. Như vậy, từ thời điểm này quan hệ hôn nhân thực tế giữa bà T2 và ông T1 đã chấm dứt nên bà T2 không được hưởng di sản của ông T1 để lại;
– Sau khi bà T2 bỏ đi, đến năm 1985 ông T1 sống chung với bà S cho đến khi chết, có 1 con chung, có tài sản chung hợp pháp được tạo lập vào năm 1987 (trong thời kỳ hôn nhân của ông T1 và bà T2). Tòa đã công nhận đây là hôn nhân thực tế nên được chia tài sản chung và được hưởng di sản thừa kế của ông T1 để lại.
Như vậy, đối với di sản mà ông T1 để lại, bà S có quan hệ hôn nhân thực tế nên được chia tài sản chung, bà S cùng các con của ông T1 là P2, P3, P1 được hưởng di sản thừa kế.
Xem chi tiết Nội dung Án lệ số 41 tại: https://anle.toaan.gov.vn/webc…/portal/anle/chitietanle…