You are currently viewing Văn bản ủy quyền của Công ty cho Chi nhánh ký Hợp đồng sao cho đúng?

Văn bản ủy quyền của Công ty cho Chi nhánh ký Hợp đồng sao cho đúng?

1/ Thế nào là “Chi nhánh”?

– Theo Khoản 1 Điều 84 Bộ Luật Dân Sự:

“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.”

2/ Đại diện theo ủy quyền là gì?

– Theo Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân Sự:

“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

3/ Áp dụng cụ thể trường hợp đang bình luận

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân Sự thì:

– Bên ủy quyền gồm: Cá nhân (người đại diện theo pháp luật Công ty) hoặc Pháp nhân (Công ty).

– Bên nhận ủy quyền gồm: Cá nhân (người đứng đầu Chi nhánh) hoặc Pháp nhân (không thể là Chi nhánh được – vì Chi nhánh không có tư cách pháp nhân như Khoản 1 Điều 84 nêu trên. Vậy Bên nhận ủy quyền sẽ là Cá nhân – người đứng đầu Chi nhánh.

– Quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân Sự phù hợp với Khoản 5 Điều 84 như sau:

“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.”

Như vậy, từ các quy định trên, việc ủy quyền của Công ty cho Chi nhánh chỉ có thể theo trường hợp là: Công ty (pháp nhân) ủy quyền cho Người đứng đầu Chi nhánh thực hiện Hợp đồng của Chi nhánh với Đối tác.

4/ Lưu ý

Ngoài ra, còn một quy định có liên quan cần chú ý (có thể gây hiểu nhầm) như sau:

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh Nghiệp:

“Điều 44. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh Nghiệp nêu trên có thể có cách hiểu rằng: trong một số trường hợp cụ thể, Công ty (pháp nhân) có thể uỷ quyền cho Chi nhánh (Chi nhánh trở thành Bên nhận ủy quyền) thực hiện công việc. Tuy vậy, nếu hiểu theo cách này thì lại không phù hợp với quy định về Bên nhận ủy quyền tại Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân Sự như đã phân tích trên (Chi nhánh không phải là pháp nhân nên không nhận ủy quyền được).

Như vậy, đối với quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh Nghiệp, đối chiếu với Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân Sự cần được hiểu theo hướng phù hợp là:

– Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện cả chức năng “đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân (Công ty)”; nghĩa là, Công ty có chức năng làm đại diện theo uỷ quyền (Công ty là Bên Nhận ủy quyền), và Công ty có thể giao chức năng này của mình cho Chi nhánh thực hiện công việc, nhiệm vụ cụ thể (thông qua hình thức Công ty ủy quyền cho Người đứng đầu Chi nhánh thực hiện công việc này);

– Không phải Chi nhánh có chức năng là “Bên nhận uỷ quyền” (từ Bên uỷ quyền là Công ty).

5/ Kết luận

Tóm lại, từ các phân tích trên, việc ủy quyền của Công ty cho Chi nhánh để Chi nhánh ký kết Hợp đồng với Đối tác thì trong Văn bản ủy quyền thể hiện: Công ty (pháp nhân) ủy quyền cho Người đứng đầu Chi nhánh.

Để lại một bình luận