You are currently viewing Án lệ số 62/2023/AL<br>Về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành<strong> </strong>niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con

Án lệ số 62/2023/AL
Về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con

1. Vấn đề mấu chốt của Án lệ

– Việc cấp dưỡng nuôi con là quyền và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra (chứ không phải là kể từ: thời điểm khởi kiện ly hôn, yêu cầu cấp dưỡng hay bản án có hiệu lực pháp luật).

2. Tóm tắt nội dung

– Năm 2013, chị D và anh C tự nguyện chung sống như vợ chồng, có tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn.

– Năm 2014 chị D và anh C có con chung là cháu P – do một mình chị D nuôi dưỡng và thừa nhận chi phí chăm lo cho cháu khoảng 2.000.000 đồng/tháng, anh C chỉ đưa cho chị tổng 3.000.000 đồng chăm lo cho con.

– Năm 2017, do không tiếp tục chung sống với nhau nữa nên chị D yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án đã không công nhận quan hệ vợ chồng tại Bản án số
13/2017/HNGĐ-ST ngày 31/3/2017 (“Bản án số 13”).

– Đồng thời, chị D (Nguyên đơn) yêu cầu xác định cháu P là con chung, buộc anh C cấp dưỡng 1.500.000 đồng/tháng kể từ ngày 12/01/2014 cho đến khi cháu P đủ 18 tuổi.

– Anh C (Bị đơn) chỉ đồng ý cấp dưỡng 1.300.000 đồng/tháng tính từ ngày 01/11/2017 cho đến khi cháu P trưởng thành.

– Tại Bản án sơ thẩm số 48/2017/HN-ST ngày 22/11/2017 (“Bản án số 48”), Tòa án công nhận cháu P là con chung của anh C và chị D, chị D được quyền nuôi dưỡng cháu P và anh C phải cấp dưỡng 1.500.000 đồng/tháng, kể từ ngày 12/10/2017 cho đến khi cháu P đủ 18 tuổi.

– Ngày 27/11/2017, chị D kháng cáo yêu cầu anh C cấp dưỡng kể từ thời điểm cháu P sinh ra là ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (45 tháng), tổng số tiền là: 45 x 1.500.000 = 67.500.000 đồng.

– Ngày 30/11/2017, anh C kháng cáo không đồng ý với mức cấp dưỡng 1.500.000 đồng/tháng như Bản án số 48 đã tuyên. Đề nghị cấp dưỡng 1.000.000 đồng/tháng và đề nghị được nhận cháu P về nuôi và không cần chị D cấp dưỡng.

3. Cơ sở pháp lý

Điều 82, Điều 83, Khoản 24 Điều 3, Điều 107, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(Cơ sở pháp lý chi tiết, được nêu ở phần Bình luận).

4. Hướng giải quyết của Án lệ

– Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh C.

– Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của chị D.

– Sửa Bản án số 48 cụ thể như sau:

(i) Công nhận cháu P là con chung của anh C và chị D. Giao cháu P cho chị D được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi cháu P đủ 18 tuổi và có khả năng lao động.

(ii) Buộc anh C phải hoàn trả tiền cấp dưỡng nuôi con chung là cháu P cho chị D từ ngày 12/01/2014 (ngày cháu P sinh ra) đến 12/10/2017 (ngày chị D khởi kiện) là: 1.000.000 đồng/tháng x 45 ngày – 3.000.000 đồng (chị D đã nhận) = 42.000.000 đồng.

(iii) Buộc anh C cấp dưỡng cho cháu P 1.500.000 đồng/tháng, tính từ ngày 12/07/2017.

Xem chi tiết nội dung Án lệ số 62 tại: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND292161

This Post Has 5 Comments

  1. dplegalco

    – Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (“Luật HNGĐ”):
    Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
    1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
    2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
    3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
    Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

  2. dplegalco

    – Điều 83 Luật HNGĐ:
    Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
    1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
    2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

  3. dplegalco

    – Khoản 24 Điều 3 Luật HNGĐ:
    Điều 3. Giải thích từ ngữ
    24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

  4. dplegalco

    – Điều 107 Luật HNGĐ:
    Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
    1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
    Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
    2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

  5. dplegalco

    – Điều 110 Luật HNGĐ:
    Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
    Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Để lại một bình luận