You are currently viewing Án lệ số 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “Cướp giật tài sản”

Án lệ số 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “Cướp giật tài sản”

1. Vấn đề mấu chốt của án lệ

Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối khiến người bị hại tin tưởng và giao tài sản trước khi bị cáo hoàn thành thanh toán tiền cho bị hại, sau đó bị cáo lợi dụng sơ hở nhanh chóng tẩu thoát chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản”.

2. Tóm tắt án lệ

Do không có tiền tiêu xài nên B nảy sinh ý định cướp giật tài sản. B mua số sim điện thoại khuyến mãi rồi đặt mua điện thoại trên ứng dụng bán hàng trực tuyến qua mạng.

Để thực hiện hành vi phạm tội, B còn chuẩn bị một số xấp tiền có lẫn tiền âm phủ vào giữa tiền thật. Khi gặp người giao hàng, B lấy những xấp tiền được chuẩn bị từ trong túi ra để tạo lòng tin cho người giao hàng rồi cất lại vào trong túi.

Sau khi kiểm tra hàng xong, B sẽ để gói hàng xuống ba ga xe gắn máy của mình, rồi lấy xấp tiền do B chuẩn bị từ trong túi ra đưa cho người giao hàng.

Lợi dụng sơ hở khi người giao hàng tháo dây thun kiểm đếm tiền thì B tăng ga điều khiển xe bỏ chạy để chiếm đoạt điện thoại di động.

B đã thực hiện 05 vụ chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự nhau như trên, trị giá tài sản chiếm đoạt qua định giá là 175.270.000 đồng.

Bản án sơ thẩm tuyên B phạm tội “Cướp giật tài sản”. Bản án bị VKSND kháng nghị, cho rằng vụ việc trên thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, đề nghị xử phạt B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

3. Cơ sở pháp lý

Điểm c, d khoản 2 Điều 171, điểm b, c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

(Cơ sở pháp lý chi tiết, được nêu ở phần Bình luận).

4. Tóm tắt phương án giải quyết (nội dung tóm tắt của Án lệ)

Xét thấy B có thủ đoạn gian dối là tạo niềm tin cho người giao hàng để tiếp cận tài sản. Thời điểm các bên đang thực hiện hành vi giao hàng – nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bên lúc này chưa hoàn thành, nhưng B đã điều khiển xe tẩu thoát chiếm đoạt tài sản mà chưa thanh toán tiền cho bị hại. Do đó, hành vi của B đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản”. Bản án sơ thẩm xử phạt B là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, xét thấy B không có nghề nghiệp, thực hiện liên tiếp 05 vụ “Cướp giật tài sản”, số tiền hưởng lợi từ hành vi phạm tội B sử dụng làm nguồn sống chính nên thuộc trường hợp “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này khi quyết định hình phạt đối với B là thiếu sót.

Về tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, xét tại thời điểm B thực hiện hành vi chiếm đoạt, người giao hàng đã tạm giao tài sản cho B quản lý, sau đó B mới tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát nên không thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm” để cướp giật tài sản.

Xem thêm nội dung chi tiết Án lệ số 57 tại: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND292156

This Post Has 2 Comments

  1. dplegalco

    – Điểm c, d khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015
    Điều 171. Tội cướp giật tài sản
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
    c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
    d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

  2. dplegalco

    – Điểm b, c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015
    Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    b) Có tính chất chuyên nghiệp;
    c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Để lại một bình luận