You are currently viewing Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” trong tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”

Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” trong tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”

1. Vấn đề mấu chốt của án lệ

– Bị cáo lên kế hoạch, chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội để bắt cóc bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.

– Trong số các bị cáo có bị cáo là người cầm đầu, khởi xướng, trực tiếp lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác; giữa các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, thực hiện hành vi nhất quán theo sự chỉ đạo của bị cáo cầm đầu. Trường hợp này, các bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau đây gọi tắt là “BLHS”).

2. Tóm tắt vụ án

– Tháng 8/2018, anh T vay của N 150.000.000 đồng. Do nhiều lần đòi nợ nhưng anh T không trả và nghỉ việc, trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh nên N đã nghĩ cách bắt giữ anh T để đòi nợ. Sau khi bàn bạc, các bị cáo Q, Đ, L, T1 và T2 đã đồng ý tham gia.

– Các bị cáo đã dùng dây trói, đánh đập, hành hạ, bắt nhốt anh T từ 12/01/2019 đến 19/01/2019 để gây áp lực, nhằm mục đích buộc anh T phải thông báo cho gia đình chuyển 150.000.000 đồng vào tài khoản của anh T để trả nợ cho N. Các bị cáo đã chiếm đoạt được 38.928.049 đồng, trong đó: tiền có sẵn trong tài khoản là 23.928.049 đồng, tiền chị H (chị họ anh T) chuyển ngày 19/01/2019 là 15.000.000 đồng. Các bị cáo sau đó đã ra đầu thú, bồi thường cho bị hại 20.000.000 đồng và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo.

– Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án các bị cáo theo tội danh bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 BLHS, hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo BLHS và một số bị cáo được hưởng án treo.

– Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, xét xử sơ thẩm lại đối với tất cả các bị cáo, tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu và thực hành tích cực.

3. Cơ sở pháp lý

– Điểm e khoản 2 Điều 169; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS;

– Điểm a, e khoản 2 Điều 169 BLHS.

4. Tóm tắt phương án giải quyết của Tòa án

– Trong vụ án này, mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T. Việc chị H mới chuyển vào tài khoản của anh T số tiền là 15.000.000 đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn 23.928.049 đồng nhưng các bị cáo chưa buộc anh T rút số tiền này để đưa cho các bị cáo, không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150.000.000 đồng.

– Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150.000.000 đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh T, phải bị xét xử về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 BLHS.

– Bị cáo N là người khởi xướng, trực tiếp rủ các bị cáo khác (Q, Đ, L, T1, T2) tham gia việc bắt giữ anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng mà anh T vay của N; trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội như còng số 8, dây trói, xịt hơi cay và là người lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Do vậy, N là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N trong kế hoạch bắt giữ anh T. Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo khác đều thực hiện nhất quán theo sự chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T của các bị cáo kéo dài từ ngày 12 đến ngày 19/01/2019 có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 BLHS.

– Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” ở điểm e khoản 2 Điều 169 BLHS mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” như phân tích ở trên là thiếu sót, cần chấp nhận áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức ” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 BLHS.

Để lại một bình luận