You are currently viewing Nợ tín dụng 8.5 triệu thành 8.8 tỷ sau 11 năm – Ngân hàng chỉ kiện đòi được nợ gốc?!

Nợ tín dụng 8.5 triệu thành 8.8 tỷ sau 11 năm – Ngân hàng chỉ kiện đòi được nợ gốc?!

Vừa qua, một trường hợp nợ tín dụng 8.5 triệu thành 8.8 tỷ sau 11 năm đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như gây ra tinh thần hoang mang cho nhiều người dân. Vậy nên, D&P Legal xin được chia sẻ về vụ việc cũng như góc nhìn pháp lý của chúng tôi về vụ việc như sau:

1. Tóm tắt vụ việc

– Đầu năm 2013, ông A có nhờ nhân viên tại Ngân hàng E mở thẻ tín dụng, tuy nhiên vì lý do mức lương của ông không đáp ứng điều kiện để mở thẻ nên thực tế ông A không nhận được thẻ tín dụng này.

– Năm 2017, khi biết được tin mình có nợ xấu ông A đã chủ động đến Ngân hàng E xác minh thì mới được Ngân hàng thông báo là ông đã ký nhận thẻ, vậy nên phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ phát sinh.

– Ông A khẳng định rằng mình không hề biết đến sự tồn tại của chiếc thẻ cũng như không thực hiện 2 giao dịch đã phát sinh từ thẻ. Vì muốn giải quyết vụ việc, ông A đã đề xuất khắc phục hậu quả bằng việc trả lại tiền nợ gốc và nộp thêm 10 triệu gọi là phí phạt. Tuy nhiên phía Ngân hàng không đồng ý, buộc ông A phải thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi.

– Từ đó đến nay, giữa ông A và Ngân hàng E đã có nhiều lần gặp mặt để làm việc nhưng vẫn không đưa ra được phương hướng giải quyết. Đến nay, sau 11 năm số tiền cả gốc và lãi tạm tính đã lên đến 8.8 tỷ.

2. Vụ việc dưới góc nhìn pháp lý

Về pháp lý, vụ việc có thể xảy ra các trường hợp:

Thứ nhất, trường hợp Ngân hàng E và ông A thỏa thuận được với nhau việc ông A sẽ phải trả toàn bộ số tiền (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi là 8.8 tỷ) hoặc một con số khác mà ông A với Ngân hàng thỏa thuận được.

Trong trường hợp này, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là “BLTTDS”). Quan hệ dân sự là các quan hệ tư, có nội dung là các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản. Do đó, ý chí của các chủ thể luôn được tôn trọng và đảm bảo thực hiện, các chủ thể có quyền tự quyết định về quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Vì vậy trường hợp này các bên tự thống nhất, thỏa thuận với nhau nên cơ quan có thẩm quyền sẽ không can thiệp mà tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 5 BLTTDS.

Thứ hai, trường hợp Ngân hàng E và ông A không thỏa thuận được số tiền gốc và lãi mà ông A phải trả thì Ngân hàng có quyền khởi kiện ông A để yêu cầu trả nợ. Xét về thời hiệu khởi kiện trong vụ việc này, theo quy định tại Điều 155, Điều 184 và Điều 429 Bộ luật Dân sự (sau đây gọi tắt là “BLDS”), có thể tóm tắt lại như sau:

– Đối với yêu cầu thanh toán phần nợ gốc thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện do đây là yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu;

– Đối với yêu cầu trả tiền lãi thì thời hiệu khởi kiện cho yêu cầu này là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm;

– Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu nếu có yêu cầu (chứ Tòa án sẽ không có nghĩa vụ chủ động áp dụng) và yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Trong vụ việc trên, phía Ngân hàng đã thông báo với ông A về số tiền nợ này từ năm 2013, cho thấy Ngân hàng đã biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, nhưng đến nay đã 11 năm, Ngân hàng mới có dự định khởi kiện tranh chấp về Hợp đồng tín dụng với ông A. Theo quy định của BLDS, thì thời hiệu khởi kiện cho vụ việc này của Ngân hàng đối với ông A đã hết.

Đối với phần tiền gốc ban đầu, đây là đối tượng được Luật quy định là không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo khoản 2 Điều 155 BLDS – quyền sở hữu của ngân hàng đối với tài sản.

Tóm lại, trong trường hợp nếu Ngân hàng khởi kiện ông A, thì Ngân hàng chỉ có thể được Tòa án chấp thuận yêu cầu về đòi lại được số tiền gốc ban đầu bởi số tiền gốc này không bị áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Còn đối với phần tiền lãi phát sinh, nếu ông A đưa ra được các lập luận về việc thời hiệu khởi kiện đòi tiền lãi từ phía Ngân hàng đã hết và yêu cầu Tòa án áp dụng điều kiện về thời hiệu (trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc) thì Tòa án sẽ không chấp thuận yêu cầu của Ngân hàng về việc đòi tiền lãi từ ông A.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 155, khoản 2 Điều 184 và Điều 429 BLDS.

This Post Has 4 Comments

  1. dplegalco

    Điều 155 Bộ luật Dân sự hiện hành
    Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
    Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
    2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

  2. dplegalco

    Điều 429 Bộ luật Dân sự hiện hành
    Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
    Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

  3. dplegalco

    Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự
    Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
    1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

  4. dplegalco

    Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự
    Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
    2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
    Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Để lại một bình luận