1. Tóm tắt vụ việc
Theo các nguồn thông tin tham khảo từ các bài Báo thì có thể tóm tắt sự việc như sau:
– Chiều ngày 17/3, em Đ (14 tuổi) và em K (12 tuổi) đã có xảy ra xích mích khi đang chơi bóng rổ tại khu vực sân đình Lệ Mật;
– Sau đó, em K đã về nhà nhờ anh ruột của mình là M (16 tuổi) để giải quyết mâu thuẫn. Trên đường quay lại sân thì gặp ông T (là bố đẻ của K và M) nên ông T đã chở hai anh em K và M đến sân rồi ra xe đi về;
– Tại sân, em K cùng anh M đã có hành vi đánh em Đ khiến em bất tỉnh tại chỗ. Em Đ sau đó đã được đưa tới bệnh viện để điều trị, bệnh viện xác định em Đ bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng xấu.
2. Bình luận về các vấn đề pháp lý khi định tội danh
Trong vụ việc trên, hành vi dùng vũ lực của M đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân là chấn thương sọ não. Do đó, câu hỏi được đặt ra là tội danh của M có thể là Tội giết người hay Tội cố ý gây thương tích? Sau đây, D&P Legal xin được chia sẻ tóm tắt các điểm cần lưu ý về hai tội danh trên như sau:
– Đối với Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự hiện hành (sau đây gọi tắt là “BLHS”): về mục đích thì hành vi phạm tội phải là nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Hành vi đó phải có mức độ tấn công nhanh; liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người. Vị trí mà nạn nhân bị tác động trên cơ thể cũng phải là những vị trí trọng yếu trên cơ thể như đầu, ngực, bụng,… Đặc biệt lưu ý, đối với tội danh này thì hậu quả chết người không phải là căn cứ bắt buộc để định tội mà phải dựa vào ý chí, hành vi của người phạm tội có muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân không?
– Đối với Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 BLHS, người thực hiện hành vi phạm tội có mục đích là gây tổn hại đến thân thể của nạn nhân; mức độ tấn công yếu và không liên tục dồn dập; những vị trí bị tác động không phải là các vùng trọng yếu của nạn nhân và xem xét người phạm tội có sử dụng hung khí để tấn công nạn nhân hay không?…
Muốn xác định M phạm Tội giết người hay Tội cố ý gây thương tích, yếu tố để xác định không hề phụ thuộc vào hậu quả là em Đ có tử vong hay không, mà việc xác định căn cứ vào hành vi của em M là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của em Đ hay hành vi cố ý gây thương tích cho em Đ. Để phân biệt được hai hành vi trên cần thỏa mãn các yếu tố:
– M đã tác động vũ lực vào vùng nào trên cơ thể em Đ khi thực hiện hành vi dùng vũ lực? Vùng bị tấn công có phải là vùng trọng yếu trên cơ thể không?
– Khi tấn công Đ, M đã sử dụng vũ khí hoặc phương tiện tấn công gì? Tính chất nguy hiểm của vũ khí và phương tiện này như thế nào?
– Mức độ, tần suất tấn công của M như thế nào?
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tấn công và hậu quả chấn thương sọ não của em Đ cũng phải được chứng minh. Cụ thể hành vi tấn công của M có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chấn thương của em Đ hay không? Nếu em Đ bị chấn thương sọ não do va đập từ hành vi tấn công của M thì hành vi tấn công của M chỉ được xem là nguyên nhân gián tiếp. Lúc này hành vi tấn công của em M sẽ cấu thành Tội cố ý gây thương tích (thay vì Tội giết người).
Bên cạnh đó, em M – người có hành vi phạm tội là người chưa đủ 18 tuổi. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, có thể xảy ra hai trường hợp:
– Trường hợp em M đã đủ 16 tuổi trở lên thì theo quy định tại khoản 1 Điều này, M phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
– Trường hợp em M đã đủ từ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì theo quy định tại khoản 2 Điều này, M phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định:
+ M phạm Tội giết người. Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS thì mức cao nhất của khung hình phạt tại điều luật này là tử hình. Đối chiếu sang quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 BLHS thì thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên M vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
+ Hoặc M phạm Tội cố ý gây thương tích. Theo nguồn thông tin của một bài báo, có tình tiết xác định rằng em M bị tổn hại sức khỏe lên đến 99% (đây chỉ là tỷ lệ tham khảo cho bài bình luận này, còn con số chính xác sẽ được Cơ quan có chức năng xác định sau đó). Căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 134 thì em M đã gây tổn hại cho sức khỏe của em Đ, tỷ lệ cơ thể 61% trở lên và em Đ chỉ mới 14 tuổi – thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 BLHS thì mức cao nhất của khung hình phạt tại trường hợp này là 14 năm. Đối chiếu với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 BLHS thì thuộc tội phạm rất nghiêm trọng, vậy nên M sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
Ngoài ra, hành vi phạm tội của M đối với nạn nhân – em Đ là người chưa đủ 16 tuổi được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS hoặc phải chịu mức hình phạt ở định khung khác nặng hơn theo điểm c khoản 1 Điều 134 BLHS hoặc điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS.
Đặc biệt, cũng cần phải xem xét vai trò của người bố – là ông T trong vụ việc này có phải là đồng phạm hay không? Ta cần phải xác định xem trong khoảng thời gian xảy ra tranh chấp thì ông T có mặt tại đó không. Nếu như có sự hiện diện của ông T vào thời điểm đó mà ông T không can ngăn em Đ, để mặc cho em Đ thực hiện hành vi tấn công em M gây ra hậu quả là em M bị chấn thương sọ não thì có thể xác định trong trường hợp này, ông T là đồng phạm với vai trò là người giúp sức về tinh thần theo quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS. Hiện, lực lượng công an đang tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ vụ án này có đồng phạm hay không?
Trên đây là tất cả những bình luận ngắn về pháp lý của D&P Legal về vụ việc nêu trên. Hy vọng, tình trạng sức khỏe của em Đ sớm hồi phục tốt nhất và sớm nhất có thể.
(Cơ sở pháp lý chi tiết được trích dẫn đính kèm dưới phần Bình luận)