You are currently viewing Tóm tắt trình tự phát hành Cổ phiếu ESOP của Công ty đại chúng

Tóm tắt trình tự phát hành Cổ phiếu ESOP của Công ty đại chúng

1. Định nghĩa

– “Công ty đại chúng” là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

+ Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

+ Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

– “ESOP” (là từ viết tắt của “Employee Stock Ownership Plan”) là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (NLĐ) trong công ty (bán hoặc thưởng cổ phần cho NLĐ).

II. Đối tượng

Công ty đại chúng;

– NLĐ làm việc trong Công ty đại chúng.

III. Điều kiện

1. Có phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho NLĐ được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.

2. Tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình trong mỗi 12 tháng không được vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.

3. Có tiêu chuẩn và danh sách NLĐ được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng và thời gian thực hiện được ĐHĐCĐ thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua.

4. Trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ, nguồn vốn chủ sở hữu (CSH) đủ để tăng vốn cổ phần, cụ thể như sau:

a) Nguồn vốn CSH sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ được căn cứ trên báo cáo tài chính (BCTC) kỳ gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận bao gồm các nguồn sau: thặng dư vốn cổ phần; quỹ đầu tư phát triển; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; quỹ khác (nếu có) được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để thưởng cho NLĐ từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác, nguồn vốn thực hiện được căn cứ trên BCTC của công ty mẹ;

c) Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để thưởng cho NLĐ từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lợi nhuận quyết định sử dụng để thưởng cho NLĐ không được vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất được kiểm toán. Trường hợp lợi nhuận quyết định sử dụng để thưởng cho NLĐ thấp hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất và cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, công ty chỉ được thực hiện việc phân phối sau khi đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ.

5. Trường hợp công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ, tổng giá trị các nguồn quy định tại khoản 4 Điều này phải đảm bảo không thấp hơn tổng giá trị vốn cổ phần tăng thêm theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua.

6. Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của NLĐ trừ trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ.

7. Việc phát hành cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật trong trường hợp phát hành cho NLĐ là nhà đầu tư nước ngoài.

8. Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

9. Điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 60 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 13/12/2020 (áp dụng riêng đối với Tổ chức tín dụng và/hoặc Công ty bảo hiểm).

IV. Trình tự thủ tục

Bước 1: Tổ chức phát hành cổ phiếu ESOP phải gửi tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu đến UBCKNN;

Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo phát hành đầy đủ và hợp lệ, UBCKNN thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBCKNN về việc nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành của tổ chức phát hành; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày UBCKNN  thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành, tổ chức phát hành phải công bố Bản thông báo phát hành trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, Sở giao dịch chứng khoán. Việc công bố thông tin trên phải được thực hiện ít nhất 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc đợt phát hành.

(Ngày kết thúc đợt phát hành không được quá 45 ngày kể từ ngày UBCKNN thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo).

Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tổ chức phát hành phải gửi Báo cáo kết quả đợt phát hành cho UBCKNN và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, Sở giao dịch chứng khoán về kết quả đợt phát hành. Đối với trường hợp phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho NLĐ, tài liệu báo cáo kết quả đợt phát hành gửi UBCKNN kèm theo:

a) Danh sách NLĐ tham gia chương trình trong đó nêu cụ thể về số lượng cổ phiếu của từng NLĐ đã nộp tiền mua hoặc được phân phối (đối với trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ);

b) Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt phát hành, trừ trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ.

Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả đợt phát hành đầy đủ và hợp lệ, UBCKNN thông báo bằng văn bản về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành cho tổ chức phát hành đồng thời gửi cho Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBCKNN về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành.

Bước 6: Sau khi có thông báo nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành của UBCKNN, tổ chức phát hành được yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt phát hành đối với trường hợp phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho NLĐ, trừ trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho NLĐ.

Bước 7: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành, tổ chức phát hành phải đăng ký tăng vốn điều lệ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

V. Quyền lợi của NLĐ

Sau khi nhận được cổ phần, NLĐ trở thành cổ đông của công ty đại chúng và có các quyền của cổ đông, như sau:

– Được đối xử bình đẳng;

– Được tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường do công ty công bố theo quy định của pháp luật;

– Được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

– Cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty, của các cổ đông khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật;

– Và các quyền chung khác của cổ đông phổ thông, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết/cổ tức/hoàn lại theo Điều 116, 117, 118 và 119 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Để lại một bình luận