You are currently viewing Không có “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” trong Bộ luật Hình sự

Không có “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” trong Bộ luật Hình sự

Tình trạng tội phạm ma túy hiện nay đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ việc gây sốc liên quan đến những người nổi tiếng hay có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Mới đây, một số nghệ sĩ trong showbiz đã bị bắt vì tổ chức sử dụng ma túy, gây rúng động trong dư luận. Các vụ việc này không chỉ phản ánh vấn đề về tội phạm mà còn là một hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của ma túy trong xã hội.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các tội phạm liên quan đến ma túy được quy định chặt chẽ tại Chương XX của Bộ luật Hình sự 2015 (sau đây viết tắt là “BLHS”), nhằm phòng, chống và xử phạt nghiêm các hành vi nguy hiểm đến an ninh trật tự xã hội. Dưới đây là danh sách các tội phạm liên quan đến ma túy được quy định trong BLHS:

– Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247);

– Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248);

– Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249);

– Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250);

– Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251);

– Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252);

– Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253);

– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254);

– Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255);

– Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256);

– Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257);

– Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258);

– Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259).

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là Bộ luật Hình sự 2015 lại không quy định tội “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Đây là một thay đổi quan trọng trong luật pháp Việt Nam, bởi trước đây, tội danh này từng được quy định tại Điều 199 của Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi, bổ sung, tội này đã được loại bỏ và thay vào đó là một hướng tiếp cận nhân đạo hơn, coi người nghiện ma túy là bệnh nhân cần được điều trị thay vì bị xử lý hình sự, nguyên nhân là do:

  1. Nên nhìn nhận về người nghiện ma tuý với tư cách là bệnh nhân – nạn nhân của tệ nạn ma tuý: Việc coi người nghiện ma tuý như bệnh nhân, nạn nhân là một quan niệm hết sức nhân đạo để từ đó có cách nhìn nhận, cách tiếp cận, đối xử phù hợp hơn đối với người nghiện ma tuý thay vì có thái độ không thiện cảm đối với họ, thậm chí là xử lý về hình sự “vì không cai nghiện được”.
  2. Tăng hiệu quả trong cai nghiện và hỗ trợ xã hội: Thay vì áp đặt hình phạt hình sự, việc chuyển hướng sang xử lý hành chính và giáo dục, hỗ trợ và điều trị thể hiện chính sách nhân đạo, đồng thời giảm thiểu tình trạng tái nghiện và tăng cơ hội phục hồi.
  3. Phù hợp với các Công ước quốc tế: Việt Nam tuân thủ các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy, trong đó không yêu cầu hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy mà tập trung vào các tội buôn bán, sản xuất và vận chuyển.
  4. Thực tiễn cho thấy không hiệu quả khi xử lý hình sự: Các cơ quan tư pháp ghi nhận rằng tội “Sử dụng trái phép chất ma túy” không được xét xử độc lập một cách hiệu quả, dẫn đến sự cần thiết phải điều chỉnh.
  5. Chính sách nhân đạo và thực tế hơn: BLHS hiện hành tập trung vào xử lý nghiêm khắc các hành vi nguy hiểm như sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy và các hành vi liên quan khác. Tuy nhiên, việc không hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thể hiện chính sách nhân đạo, chuyển hướng từ trừng phạt sang hỗ trợ, giúp người nghiện có cơ hội vượt qua tệ nạn và tái hòa nhập cộng đồng.

Để lại một bình luận