1. Tóm tắt vụ việc
– Bà T và ông S (Nguyên đơn – Người tiêu dùng) giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 (sau đây gọi tắt là “Hợp đồng”) với Công ty V có trụ sở tại Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (Bị đơn).
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, do thời gian gấp nên Nguyên đơn không đọc kỹ nội dung Hợp đồng nói chung và điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo phương thức Trọng tài nói riêng.
– Tranh chấp phát sinh, Nguyên đơn không yêu cầu giải quyết tranh chấp theo phương thức Trọng tài như đã thỏa thuận mà yêu cầu Tòa án nhân dân Tp. Nha Trang thụ lý.
Vấn đề: theo Hợp đồng, các bên đã chọn phương thức giải quyết là Trọng tài nhưng Nguyên đơn lại yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp thì có hợp pháp hay không?
2. Cơ sở pháp lý có liên quan
– Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010:
“Điều 38. Hiệu lực của điều khoản trọng tài
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.”
– Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010:
“Điều 17. Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng
Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.”
– Khoản 3 Điều 26, Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.”
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”
– Khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật trọng tài thương mại:
“Điều 4. Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 6 Luật TTTM
5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.”
3. Tóm tắt phương án giải quyết (Nội dung tóm tắt của Án lệ)
Quan điểm giải quyết của Tòa án:
– Hợp đồng nêu trên thuộc Hợp đồng mẫu do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, soạn sẵn phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài.
– Căn cứ các quy định nêu trên, việc Nguyên đơn không đồng ý lựa chọn Trọng tài và yêu cầu Tòa án nhân dân Tp. Nha Trang giải quyết là hợp lý.
– Do đó, Tòa án nhân dân Tp. Nha Trang thụ lý và giải quyết tranh chấp là đúng thẩm quyền.
Xem chi tiết Nội dung Án lệ số 42 tại: https://anle.toaan.gov.vn/webc…/portal/anle/chitietanle…