1/ TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ VIỆC
– Năm 1963 ông N và bà T kết hôn, có tài sản chung cùng tạo lập là một căn nhà trên thửa đất diện tích 1.490m2.
– Năm 1975 ông bà ly hôn, TAND Tỉnh Bình Trị Thiên đã quyết định cho ông N được hưởng một phần đất trong khuôn viên thửa đất nêu trên theo Bản án phúc thẩm số 43/1977 (Có sơ đồ phân chia ranh giới do Tòa án lập kèm theo bản án). Từ ngày Bản án này có hiệu lực thì ông N vẫn không có đơn yêu cầu thi hành án.
– Đến năm 2001, khi ông N về quê định xây nhà thờ tổ tiên thì cả hai không thống nhất về ranh giới đất nên bà T không đồng ý trả lại đất nêu trên cho ông N. Vì vậy, ông N khởi kiện yêu cầu bà T trả lại đất theo Bản án phúc thẩm số 43/1977 nêu trên.
– Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006 của TAND Tp. Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N. Sau đó, bà T kháng cáo, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 55/2006, TAND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm 08/2006 trên, đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện của ông N bởi vì TAND Tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định rằng ông N không có quyền khởi kiện lại (bởi vụ án đã được giải quyết bởi Bản án có hiệu lực pháp luật trước đó).
2/ CƠ SỞ PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN
– Khoản 2, 7 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (tương ứng với khoản 2, 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015):
“Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
2. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
7. Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
– Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015):
“Điều 256. Quyền đòi lại tài sản
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này. Trong trường hợp tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của người chiếm hữu ngay tình thì áp dụng Điều 257 và Điều 258 của Bộ luật này”.
– Khoản 6 Điều 105 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013).
“Điều 105. Quyền chung của người sử dụng đất
Người sử dụng đất có các quyền chung sau đây:
6. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai”.
3/ TÓM TẮT PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT
– Vì quyền sử dụng đất của ông N đối với đất tranh chấp là đã được xác định tại Bản án phúc thẩm số 43/1977 của TAND tỉnh Bình Trị Thiên. Nên TAND tỉnh Thừa Thiên Huế không được giải quyết lại “ai là chủ sở hữu đất hợp pháp” (nhưng có thể thụ lý giải quyết theo trường hợp “kiện đòi lại tài sản” – vì đây là quan hệ pháp luật khác).
– Trường hợp còn thời hiệu thi hành án thì ông N có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện giao đất theo Bản án phúc thẩm số 43/1977. Tuy nhiên, do thời hiệu thi hành án đã hết nên ông N có quyền khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản bằng vụ án dân sự mới. Nếu không có căn cứ xác định ông N đã từ bỏ quyền tài sản thì Tòa án phải chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N. Như vậy, ông N hoàn toàn có quyền “khởi kiện đòi lại tài sản”.
– Do vậy, theo Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao quyết định: hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 55/2006 của TAND Tỉnh Thừa Thiên Huế và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006 của TAND Tp. Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” giữa nguyên đơn là ông N với bị đơn là bà T – giao hồ sơ vụ án cho TAND Tp. Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Xem chi tiết nội dung Án lệ nêu trên tại: https://anle.toaan.gov.vn/webc…/portal/anle/chitietanle…