You are currently viewing Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả

Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả

1. VẤN ĐỀ MẤU CHỐT CỦA ÁN LỆ
– Ngoài cơ sở pháp lý theo luật định, tạp quán và thuần phong mỹ tục cũng được xem xét áp dụng khi giải quyết tranh chấp.
– Vợ/chồng có quyền cao nhất trong việc thăm nom, chăm sóc và quản lý (bao gồm cả di dời) mồ mả của đối phương mà người khác không có quyền ngăn cản.
2. TÓM TẮT NỘI DUNG ÁN LỆ
– Ông A (1945 – 2004) có tâm nguyện chôn cất tại đất nhà, nhưng tại thời điểm Ông A mất thì đất nhà đang trong quy hoạch nên Bà V (Nguyên đơn – là vợ Ông A) chôn cất tạm Ông A trên phần đất của Ông B (là anh của Ông A).
– Hiện nay phần đất của gia đình bà ổn định, Bà V muốn thực hiện theo nguyện vọng của chồng bà là đem hài cốt của Ông A về đất nhà chôn cất nhưng hai cháu là Anh T và Anh H (con ruột của Ông B) ngăn cản không đồng ý.
– Nguyên đơn yêu cầu: Buộc Anh T và Anh H không được ngăn cản việc bà V đem hài cốt của chồng mình về đất nhà chôn cất.
– Bị đơn không đồng ý với ý kiến của Nguyên đơn và cho rằng mồ mả của Ông A hiện nay không có người thân bên cạnh chăm sóc; anh em T, H cũng đã chăm sóc 15 năm nay rồi nên tạm thời để anh em T, H tiếp tục chăm sóc khi nào xác định có người thân bên cạnh thì Bị đơn sẽ đồng ý với yêu cầu nêu trên của Nguyên đơn.
3. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Khoản 1 Điều 7, Điều 11 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(Cơ sở pháp lý chi tiết, được nêu ở phần Bình luận).
4. HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA ÁN LỆ
– Các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của Anh T và Anh H có phần mộ của Ông A.
– Bà V là vợ hợp pháp của Ông A, nay bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà là Ông A về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc.
– Xét yêu cầu di dời hài cốt Ông A là chồng của Nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam.
– Việc Anh T và Anh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản Bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý; bởi vì, bà V có mối quan hệ là vợ của Ông A được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định pháp luật.

Xem chi tiết nội dung Án lệ số 56 tại: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND281187

This Post Has 4 Comments

  1. dplegalco

    – Khoản 1 Điều 5 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS):
    “Điều 5. Áp dụng tập quán
    1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.”

  2. dplegalco

    – Khoản 1 Điều 7 BLDS:
    “Điều 7. Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự
    1. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.”

  3. dplegalco

    – Điều 11 BLDS:
    “Điều 11. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự
    Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
    1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
    2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
    3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
    4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.
    5. Buộc bồi thường thiệt hại.
    6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
    7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.”

  4. dplegalco

    – Khoản 1 Điều 39 BLDS:
    “Điều 39. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình
    1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
    Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.”

Để lại một bình luận