You are currently viewing <strong>Án lệ số 63/2023/AL</strong><br><strong>Về xem xét quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính</strong><strong> </strong><strong>bị khiếu kiện</strong>

Án lệ số 63/2023/AL
Về xem xét quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện

1. Vấn đề mấu chốt của Án lệ

Do hành vi cưỡng chế xuất phát từ quyết định cưỡng chế và có mối liên hệ với nhau nên trong quá trình giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi cưỡng chế, Tòa án có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định cưỡng chế nêu trên và các quyết định hành chính khác có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện mà không phụ thuộc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật.

2. Tóm tắt nội dung

– Trước giải phóng, bố mẹ của ông H là cụ T1 và cụ D có tạo lập một ngôi nhà và thửa đất.

– Năm 1976 cụ T1 mất, ông H sống cùng cụ D trên ngôi nhà này đến 1981 thì cụ D mất. Các người con của cụ là ông H và những đồng thừa kế là người trực tiếp quản lý và sử dụng.

– Năm 2003, ông H đồng ý để ông T về ở trên ngôi nhà nêu trên.

– Năm 2008, ông H lập giấy thỏa thuận cho ông T ở nhờ, khi nào cần lấy lại nhà thì báo trước cho bên ở nhà 01 tháng.

– Đầu năm 2009, do cần lấy lại nhà nên ông H thông báo cho ông T trước 01 tháng nhưng ông T không trả lại nhà. Vì vậy, ông H đã khởi kiện ông T bằng vụ án dân sự về việc đòi lại nhà cho ở nhờ.

– Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 12/2011, Tòa án đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của ông H, buộc ông T (và vợ là bà L) trả lại ngôi nhà nêu trên.

– Sau khi trả nhà, tháng 7/2012 vợ chồng ông bà T, L lại tiếp tục xây căn nhà tạm trên phần đất nêu trên của gia đình ông H.

– Suốt từ năm 2012 – 2014 UBND phường A đã lập nhiều Quyết định cưỡng chế, Biên bản xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định đình chỉ thi công và tháo dỡ công trình vi phạm, Thông báo, Công văn, Biên bản cưỡng chế,… và thực hiện Hành vi cưỡng chế đối với hành vi xây dựng nhà trái phép của ông bà T, L.

– Ngày 31/3/2014, ông T có đơn khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 Chủ tịch UBND phường A (“Quyết định số 62”) và buộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A bồi thường tổng số tiền 620.000.000 đồng do hành vi cưỡng chế gây ra.

3. Cơ sở pháp lý

Điều 6 và Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015.

(Cơ sở pháp lý chi tiết, được nêu ở phần Bình luận).

4. Hướng giải quyết của Án lệ

– Về khiếu kiện đối với quyết định hành chính:

+ Ngày 18/03/2013 phía UBND phường đã giao Quyết định số 02 cho ông T, bà L. Trong biên bản giao nhận thể hiện rõ số, ngày ban hành quyết định, nội dung cưỡng chế, bà L đã xem nội dung quyết định cưỡng chế nhưng không hợp tác, không ký vào biên bản và cho rằng việc cưỡng chế là không đúng pháp luật – do vậy rõ ràng vợ chồng ông bà đã biết về nội dung Quyết định số 02 này.

+ Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010
thì thời hạn 01 năm (kể từ ngày biết được quyết định hành chính) để ông T, bà L
thực hiện quyền khởi kiện đã kết thúc, nhưng ngày 31/3/2014 ông, bà mới khởi
kiện nên Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện Quyết
đinh hành chính số 02 nêu trên đã hết là có căn cứ, đúng pháp luật.

–  Về khiếu kiện đối với hành vi hành chính:

+ Ngày 12/3/2014, Chủ tịch UBND phường A thực hiện hành vi cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại nhà trên.

+ Ngày 31/3/2014, ông T, bà L làm đơn khởi kiện đối với hành vi cưỡng chế của Chủ tịch UBND phường A như trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại 620.000.000 đồng do hành vi cưỡng chế gây ra.

+  Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì đơn của ông T, bà L còn trong thời hiệu khởi kiện, cần phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Tuy nhiên, do “Hành vi cưỡng chế” xuất phát từ “Quyết định cưỡng chế” và có mối liên hệ với nhau nên trong quá trình giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi cưỡng chế, Hội đồng xét xử có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định cưỡng chế nêu trên và các quyết định hành chính khác có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện mà không phụ thuộc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật.

Xem chi tiết nội dung Án lệ số 63 tại: https://tapchitoaan.vn/an-le-so-632023al1-ve-xem-xet-quyet-dinh-hanh-chinh-co-lien-quan-den-hanh-vi-hanh-chinh-bi-khieu-kien8226.html

This Post Has 2 Comments

  1. dplegalco

    – Điều 6 Luật Tố tụng hành chính:
    Điều 6. Xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính
    1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
    2. Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.

  2. dplegalco

    – Điều 116 Luật Tố tụng hành chính:
    “Điều 116. Thời hiệu khởi kiện
    1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
    2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
    a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
    b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
    c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
    3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
    a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
    b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
    4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
    5. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.”

Để lại một bình luận