You are currently viewing Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Mua bán người”

Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Mua bán người”

1. Vấn đề mấu chốt của án lệ:

Về xác định tội danh, với mục đích bán người cho các tàu cá để hưởng tiền chênh lệch, các bị cáo S, K, C, T1 đã có hành vi lừa dối khi đăng tuyển “phụ xe khách đường” dài để lừa các nạn nhân D, M, T đi làm cho các tàu đánh cá. Khi các nạn nhân không đồng ý, S và K dùng hung khí đe doạ, giữ các nạn nhân tại nhà bà L, cử người thay phiên canh giữ và lấy tài sản và tư trang cá nhân của các nạn nhân. Hành vi này của các bị cáo bị cấu thành 02 tội là “Tội mua bán người” và “Tội cưỡng đoạt tài sản”.

Về áp dụng pháp luật trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các Bộ luật Hình sự (“BLHS”) cũ và mới thì theo nguyên tắc là: đối với Điều luật quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới, giảm hình phạt, v.v… và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

2. Tóm tắt vụ án:

Bị cáo S liên kết với đối tượng G để thực hiện hành vi mua bán người giao cho các tàu đánh cá với mục đích hưởng tiền chênh lệch. Đối tượng G dùng mạng xã hội Facebook đăng tuyển lao động làm phụ xe khách đường dài được các anh D, M và T (các bị hại) tìm thấy và liên hệ xin việc.

Ngày 26/07/2017, các anh D, M, T đến Bến xe miền Đông thì được G đưa về nhà bị cáo S tại Bạc Liêu, G giao bị hại lại cho S và nhận 9 triệu đồng. Tại đây, S chỉ đạo cho bị cáo K giao hợp đồng lao động với nội dung đi biển cho các anh D, M, T để ký tên nhưng các bị hại không đồng ý vì mục đích ban đầu là đi làm phụ xe khách. Các bị cáo S và K đã dùng hung khí đe doạ nếu không đồng ý hợp đồng phải trả lại 10.000.000 đồng, nếu không có thì bị giữ lại. Sau đó, các bị hại được đưa vào nhà mẹ của S (bà L) để K và C canh giữ, em gái của S (T1) kiểm tra việc canh giữ, còn S tìm tàu đánh cá cần người để giao. Trong quá trình giữ người, S chỉ đạo K và T1 lấy các tài sản và tư trang cá nhân của những bị hại để cất giữ, K còn cầm dao đe doạ để các bị hại giao tài sản của mình ra.

Đến 22 giờ ngày 27/07/2017, M và T trốn ra khỏi nơi giam giữ, sau đó khoảng 5 giờ ngày 28/07/2017, D cũng trốn ra khỏi nơi giam giữ và cùng M, T đến đồn biên phòng trình báo sự việc.

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình, đồng thời các vật chứng của vụ án cũng được các cơ quan quản lý.

3. Cơ sở pháp lý:

Điểm đ khoản 2 Điều 150; điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, 2 Điều 54; khoản 3 Điều 7, Điều 38 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

Điểm b khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017;

Khoản 1 Điều 135 BLHS 1999.

4. Hướng giải quyết vụ án:

– Hành vi của các bị cáo gây ra rất nguy hiểm cho xã hội, đồng thời xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người. Các bị cáo ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện vì lợi ích cá nhân. Do đó, hành vi trên của các bị cáo đã thoả mãn yếu tố cấu thành tội “Mua bán người”.

– Hành vi của các bị cáo xảy ra từ tháng 7/2017 và được quy định tại tình tiết định khung tăng nặng “đối với nhiều người” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có mức hình phạt từ 05 năm đến 20 năm, còn theo BLHS năm 2015, hành vi thuộc tình tiết định khung “từ 02 người đến 05 người” được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 có mức hình phạt từ 8 năm đến 15 năm (là nhẹ hơn so với BLHS năm 1999) nên cần áp dụng có lợi cho các bị cáo theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Do đó, hành vi nêu trên của các bị cáo đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Mua bán người” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015.

– Bên cạnh đó, trong quá trình giữ các bị hại, bị cáo S, K, T1 dùng vũ khí đe doạ lấy tư trang cá nhân và tài sản anh D, M, T chiếm đoạt tổng số tài sản là 12.000.200 đồng. Do đó, hành vi trên của các bị cáo còn thoả mãn yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 135 BLHS 1999.

– Như vậy, hành vi của các bị cáo S, K, C, T1 đã phạm tội “Mua bán người”; các bị cáo S, K, T1 còn phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

– Các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bị cáo S đóng vai trò nguy hiểm, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo K là người giúp sức quyết liệt nhất. Như vậy, việc áp dụng hình phạt cho bị cáo S và K cao hơn bị cáo C và T1 là điều cần thiết.

– Tóm lại, với các hành vi trên, bị cáo S bị xử phạt 8 năm 6 tháng tù; bị cáo K bị xử phạt 7 năm tù; bị cáo T1 bị xử phạt 4 năm tù; bị cáo C bị xử phạt 3 năm tù. Đồng thời, các  bị cáo S, T1 và K mỗi bị cáo bồi thường cho anh D số tiền 333.400 đồng và anh M số tiền 233.400 đồng.

Xem chi tiết nội dung Án lệ số 65/2023 tại:

https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND315862

Để lại một bình luận