1. Quá trình thâu tóm đất công và chuyển nhượng sinh lời khủng
– Đầu tiên, 6.202m2 đất công tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn (gọi tắt là “Khu đất”) thuộc quyền quản lý/sử dụng của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
– Sau đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam giao quyền quản lý Khu đất cho Công ty Cao su Bà Rịa (gọi tắt là “Cao su Bà Rịa”) và Công ty Cao su Đồng Nai (gọi tắt là “Cao su Đồng Nai”).
– Năm 2009, Cao su Bà Rịa (28% phần vốn góp) và Cao su Đồng Nai (72% phần vốn góp) cùng góp vốn thành lập mới Công ty TNHH Phú Việt Tín (gọi tắt là “Phú Việt Tín”) và Công ty mới này được giao quyền quản lý/sử dụng Khu đất nêu trên.
– Năm 2010, một Công ty Nước ngoài nhảy vào sở hữu 80% phần vốn góp của Phú Việt Tín, đồng nghĩa với việc Công ty Nước ngoài này cũng có quyền quản lý/sử dụng 80% Khu đất này. Lúc này, Cao su Đồng Nai chỉ còn sở hữu 14,4% phần vốn góp và Cao su Bà Rịa chỉ còn sở hữu 5,6% phần vốn góp tại Phú Việt Tín.
– Tiếp đến, Công ty Nước ngoài này tìm cách chuyển nhượng 100% phần vốn góp của mình cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (gọi tắt là “Quốc Cường Gia Lai”). Ở đoạn này, các đối tượng đã cố tình thực hiện các giao dịch phức tạp nhằm che giấu hành vi vi phạm của mình. Cụ thể như sau:
+ Bà Lê Y Linh lập Công ty CP TMTH Việt Tín, bà Linh được Công ty Nước ngoài ủy quyền được quyền quyết định bán 80% phần vốn góp trong Phú Việt Tín.
+ Sau đó, bà Linh bán 79,2% phần vốn góp Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai.
+ Đồng thời, sau khi bà Linh nhận ủy quyền từ Công ty Nước ngoài thì bà Linh ủy quyền lại cho ông Đặng Phước Dừa có quyền bán 80% phần vốn góp trong Phú Việt Tín.
+ Ông Dừa lập Công ty CP ĐTTM Việt Tín và ông Dừa bán 19,8% phần vốn góp Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai.
+ Tính đến thời điểm này thì Quốc Cường Gia Lai đã sở hữu 99% phần vốn góp của Phú Việt Tín.
+ Năm 2014, lần này thì Phú Việt Tín trực tiếp bán nốt 1% phần vốn góp còn lại của mình cho Quốc Cường Gia Lai.
+ Bây giờ, Cao su Bà Rịa và Cao su Đồng Nai (02 Công ty Nhà nước) đã không còn sở hữu bất cứ phần vốn góp nào trong Phú Việt Tín. Song song đó, Quốc Cường Gia Lai hiện đang sở hữu 100% phần vốn góp trong Phú Việt Tín và đồng nghĩa với việc cũng có quyền quản lý/sử dụng hoàn toàn Khu đất nêu trên.
– Sau khi Quốc Cường Gia Lai hoàn tất thủ tục mua bán, tổng số tiền bỏ ra là 464 tỷ (bà Loan khai) thì đã nhanh chóng chuyển nhượng tiếp cho Công ty tư nhân khác với giá là 802 tỷ.
– Vậy là chỉ trong vài tháng mua bán thì Quốc Cường Gia Lai đã thu lợi về hơn 300 tỷ.
– Năm 2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty BĐS Phúc Nguyên trở thành Công ty Đầu tư và Phát triển BĐS Nova Phúc Nguyên (thuộc Tập đoàn Novaland).
– Hiện nay, tọa lạc tại đây là Khu phức hợp Căn hộ để ở và thương mại dịch vụ có tên là “The Tresor”.
2. Các vấn đề còn chưa rõ – cần chờ đợi Cơ quan chức năng điều tra
(i) Công ty nước ngoài sở hữu có 80% phần vốn góp trong Công ty Phú Việt Tín, mà lại bán được 79,2 + 19,8 = 99% phần vốn góp của Công ty Phú Việt Tín cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
(ii) 02 Công ty Cao su Bà Rịa và Cao su Đồng Nai từ sở hữu 80% phần vốn góp của Công ty Phú Việt Tín, rồi sau đó chỉ còn 20% phần vốn góp và cuối cùng chỉ còn sở hữu có 1% phần vốn góp.
(iii) Các công ty có tên Việt Tín gần giống nhau được thành lập và các cá nhân liên tục được ủy quyền mua bán phần vốn góp.
(iv) Quốc Cường Gia Lai mua từ bà Linh 79,2% phần vốn góp của Phú Việt Tín (là 217 tỷ), nhưng hiện chưa cung cấp được Ủy nhiệm chi thanh toán.
(v) Quốc Cường Gia Lai mua từ ông Dừa 19,8% phần vốn góp của Phú Việt Tín (là 54,2 tỷ), nhưng lại chuyển cho ông Dừa 240 tỷ (chuyển trước khi ký Hợp đồng).
(vi) “Đất công” chuyển sang “Đất tư” mà không thông qua đấu giá.
v.v…
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc từ các Trang thông tin chính thống để đưa ra ý kiến tóm tắt dễ hiểu và gửi đến Quý Bạn đọc.