💢Tóm tắt vụ việc:
Tháng 9/2018, Anh Lê Mạnh Cường cùng em trai mình tạo lập kênh “Tam Mao TV” để đăng các đoạn phim tự sản xuất lên Youtube và từ đó đến giờ không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này.
Ngày 27/04/2021, Công ty A – chủ sở hữu của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tam Mao TV” – đã ủy quyền Luật sư T gửi email khiếu nại cho Youtube. Họ lập luận rằng anh Cường đã và đang sử dụng một cách bất hợp pháp dấu hiệu liên quan đến nhãn hiệu mà họ được bảo hộ trong các video, hình ảnh mà anh Cường đăng tải lên kênh Youtube “Tam Mao TV” và yêu cầu Youtube phải xóa bỏ kênh này.
Ngày 07/05/2021, phía Youtube đã gửi email cho anh Cường thông báo về khiếu nại và khuyên anh nên giải quyết với bên thứ ba nếu không Youtube có thể sẽ phải thực hiện biện pháp xóa video hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn kênh.
Đứng ở góc nhìn pháp luật thì nhãn hiệu “Tam Mao TV” có thuộc về anh Lê Mạnh Cường không?
Câu trả lời là không. Cụ thể, theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định như sau:
1️⃣Điểm a, Khoản 3 Điều 6 thì Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
2️⃣ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 87 về quyền đăng ký nhãn hiệu thì Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất, dịch vụ do mình cung cấp hoặc do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3️⃣ Khoản 2 Điều 90 về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Như vậy, theo pháp luật thì khi cá nhân, tổ chức kinh doanh hợp pháp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên, nếu đơn đó thẩm định hình thức hợp lệ, thẩm định nội dung đạt thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được bảo hộ tính từ thời điểm nộp đơn. Hành vi có hay không sử dụng nhãn hiệu trong thực tế chỉ là cơ sở để xem xét chấm dứt hiệu lực văn bằng chứ không phải cơ sở để được pháp luật công nhận là chủ sở hữu.
Trong vụ việc này, Công ty A – theo thông tin đăng ký doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim trừ quảng cáo – đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu từ ngày 08/04/2019 và được Cục Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là “Cục”) công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp từ 25/06/2019.
Từ ngày đăng công bố đơn đến trước ngày cấp văn bằng, anh Cường có quyền ý kiến với Cục về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó nhưng do không nắm rõ pháp luật, anh Cường không thực hiện dù đã biết việc nhãn hiệu của mình bị người khác nộp đơn đăng ký từ năm 2020.
Đến ngày 15/04/2021, Công ty A được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Tam Mao TV”; và đương nhiên lúc này anh Cường không được xem là chủ sở hữu hợp pháp dù đã sử dụng nhãn hiệu này từ năm 2018.
Qua vụ việc trên, chúng ta lại càng thấy tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trong xã hội hiện đại ngày nay nhằm đảm bảo các quyền lợi của người sở hữu. Các đối thủ cạnh tranh sử dụng những thủ đoạn gây tác động xấu đến doanh nghiệp thông qua nhãn hiệu sẽ đưa đến các hệ lụy khôn lường. Hoặc như trường hợp của “Tam Mao TV”, “Mixi Food” nhãn hiệu đã bị người khác đăng ký trước buộc chủ sở hữu “thực tế” không được sử dụng nữa. Lúc đó người bị thiệt hại đầu tiên và nghiêm trọng nhất chính là doanh nghiệp.
⚜D&P Legal hy vọng thông tin nêu trên hữu ích với các bạn. Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu ngay hôm nay.
💌Truy cập Fanpage để cập nhật thêm nhiều thông tin pháp lý khác.