Trong quá trình tư vấn, trao đổi với Khách hàng là Chủ Doanh nghiệp (viết tắt là “DN”) cũng như tiếp xúc và làm việc với các bạn Tư vấn viên trẻ (viết tắt là “TTV”); D&P nhận thấy nhiều khác biệt đến đối lập rất hay và xin phép chia sẻ để kết nối gần hơn giữa Chủ Doanh nghiệp và Tư vấn viên trẻ:
1. Khi tư vấn
– DN: Vấn đề này có thực hiện được không; nếu có, thì có khó không, vướng gì không, thời gian và chi phí như thế nào?
– TTV: Vấn đề này không thực hiện được, luật cấm, không cho phép, quy định chưa rõ ràng,… Hoặc vấn đề này có thể thực hiện được, căn cứ vào Điều Khoản Điểm của Luật ABCDXYZ… *dài dòng càng rối ren thêm* – càng nói Khách càng khó hiểu rồi sự việc đi vào ngõ cụt.
– Giải pháp hài hòa: Bởi vì quy định dài và liên kết chồng chéo nhau nhiều khiến người khác chuyên môn sẽ khó hiểu chuẩn được nên DN mới tìm đến TTV để mong muốn được sáng tỏ về hướng đi cũng như được hỗ trợ chi tiết về cách làm (để DN yên tâm để dành thời gian và tâm trí đấy cho công việc kinh doanh của mình nhằm thu được lợi nhuận x10 x100… lần phí dịch vụ).
Cho nên, kỹ năng của TTV là diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu rằng được hay không, kèm theo phương án thực hiện (còn chi tiết thủ tục như thế nào thì TTV sẽ đảm bảo theo quy định, không cần thiết phải diễn giải dài dòng để nhẹ nhàng cho DN).
Và TTV hãy tạo không khí nhẹ nhàng, vui vẻ và thoải mái cho Khách hàng (không có gì là nghiêm trọng cả và sẽ có giải pháp phù hợp mà thôi).
2. Khi nói về hợp đồng
– DN: Hợp đồng sao cho hài hòa, đọc vào hợp tình hợp lý, hạn chế rủi ro và mục đích cuối cùng là ký được Hợp đồng với Khách và bán được hàng hóa/dịch vụ.
– TTV: Hợp đồng phải chặt chẽ rõ ràng, dài, nhiều ràng buộc nhau, bên mình quyền nhiều, bên còn lại nghĩa vụ nhiều, mục đích cuối cùng là bên mình hạn chế thấp nhất những rủi ro.
– Giải pháp hài hòa: Độ dài Hợp đồng vừa phải, lựa chọn giữ lại các nội dung quan trọng, lược bỏ đi các nội dung có cũng được mà không có cũng không sao (hoặc dùng phương án xử lý theo quy định pháp luật – nói chung), thay vì sử dụng thuật ngữ “Bên A phải làm…” (cảm giác như bị ép buộc) thì nên dùng thuật ngữ “Bên A chấp thuận làm…” (làm ở thế chủ động), v.v…
3. Ví dụ về lựa chọn Hợp nhất hay Sáp nhập Công ty (định nghĩa ở Bình luận)
– DN: Muốn tinh gọn quản lý khi có quá nhiều Công ty thì Sáp nhập hay Hợp nhất đây?
– TTV: Nghiên cứu và tư vấn đề xuất phương án nào nhanh hơn, hồ sơ giấy tờ cần soạn đơn giản tinh gọn hơn, chi phí thấp (thì sẽ hướng về chọn phương án Sáp nhập hơn).
– Giải pháp hài hòa: Bản chất DN muốn xóa bỏ gốc rễ của tất cả Công ty (khi Công ty lâu năm nhưng hoạt động không có gì nổi trội, chỉ để lại nhiều rối ren về hồ sơ, giấy tờ) (chọn phương án Hợp nhất); hay muốn lựa chọn một Công ty nổi bật hơn về các mặt hơn để giữ lại nền tảng, các Công ty không có gì nổi bật còn lại sẽ bị sáp nhập vào Công ty nổi bật này (chọn phương án Sáp nhập). Sau khi tư vấn như vậy, DN là người quyết định phương án cuối cùng phù hợp cho họ.
Và còn rất nhiều tình huống tương tự như vậy và Tư vấn viên của D&P Legal sẽ luôn cố gắng dùng giải pháp hài hòa như trên khi làm việc với Khách hàng.
Ví dụ dễ hiểu định nghĩa như sau:
3.1 Sáp nhập là: trong 3 Công ty A, B và C thì chọn giữ lại A là gốc, sáp nhập B và C vào A (không có Công ty mới nào tạo thành), B và C chấm dứt tồn tại.
3.2 Hợp nhất là: cũng trong 3 Công ty A, B và C thì hợp nhất chúng lại, tạo thành một Công ty mới, cả A, B và C đều chấm dứt tồn tại (không còn Công ty nào làm gốc).