You are currently viewing Một người chỉ được đăng ký một Hộ kinh doanh?!

Một người chỉ được đăng ký một Hộ kinh doanh?!

Trong quá trình tư vấn cho các Khách hàng trong việc thành lập Hộ kinh doanh, D&P Legal nhận thấy một trong những thắc mắc phổ biến nhất đến từ Khách hàng chính là: “Tôi có thể đăng ký nhiều Hộ kinh doanh không?” Vậy liệu pháp luật Việt Nam có cho phép một cá nhân đăng ký thành lập nhiều hộ kinh doanh hay không? Sau đây, mời bạn đọc hãy cùng D&P Legal tìm hiểu về vấn đề này.   

1. Hộ kinh doanh là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 thuộc Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là “Nghị định 01”), “Hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh do một Cá nhân hoặc Hộ gia đình đăng ký thành lập, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Có thể nói rằng, “Hộ kinh doanh” là một loại hình kinh doanh phổ biến tại Việt Nam. Sở dĩ loại hình này được ưa chuộng là do thủ tục đăng ký đơn giản, chế độ thuế khoán hoặc kê khai thuế tinh gọn phù hợp với các cá nhân, hộ gia đình có nguồn vốn hạn chế. Chính vì các ưu điểm này, hộ kinh doanh trở thành lựa chọn hàng đầu cho đa phần người dân khi họ muốn khởi sự kinh doanh.

2. Một người có thể đăng ký bao nhiêu hộ kinh doanh?

Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 01, cá nhân, thành viên hộ gia đình đáp ứng đủ điều kiện để thành lập hộ kinh doanh chỉ được phép đăng ký thành lập một Hộ kinh doanh duy nhất trên phạm vi toàn quốc.

Điều này có nghĩa là, nếu một người đã có đăng ký thành lập một Hộ kinh doanh, người đó sẽ không thể đăng ký thành lập thêm Hộ kinh doanh khác vì hành vi này bị pháp luật hạn chế. Nói cách khác, nếu bạn đã đăng ký một Hộ kinh doanh, bạn không thể thành lập thêm Hộ kinh doanh khác, ngay cả khi kinh doanh ở tỉnh khác hoặc ngành nghề khác.

3. Mục đích của quy định pháp luật

Với quan điểm của D&P Legal, Chúng tôi nhận thấy quy định trên là hoàn toàn hợp lý, việc hạn chế một cá nhân đăng ký nhiều Hộ kinh doanh nhằm:

Thứ nhất, trách nhiệm tài chính

Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không chịu trách nhiệm hữu hạn tương ứng với Vốn điều lệ ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh mà Chủ hộ hoặc các Thành viên của Hộ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với tất cả tài sản mình đang có. Nếu cho phép 01 cá nhân có thể lập 10 Hộ kinh doanh thì trách nhiệm của đáng lẽ ra x10 lần lại hoàn toàn dồn vào chỉ có 01 người này thôi, thì trách nhiệm trả nợ là không được đảm bảo cho tất cả các Chủ nợ của cả 10 Hộ kinh doanh (đảm bảo quyền lợi cho Chủ nợ).

Thứ hai, tránh trốn thuế

Hộ kinh doanh không phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp như Doanh nghiệp, do đó, nếu 01 cá nhân được phép đăng ký nhiều Hộ kinh doanh, có thể dẫn đến tình trạng lách luật để giảm nghĩa vụ thuế.

Thứ ba, dễ kiểm soát

Nhà nước xem Hộ kinh doanh là 1 hình thức dễ hơn đối với việc buôn bán nhỏ lẻ tại Việt Nam cả về đăng ký hay các thủ tục hành chính để kiểm soát dễ hơn. Nên việc cho một người lập nhiều Hộ kinh doanh làm mất đi bản chất của hình thức này, khiến nó dễ bị lạm dụng như “vỏ bọc” cho nhiều Doanh nghiệp thực sự.

4. Hậu quả khi vi phạm

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021 ngày 28 tháng 12 năm 2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (sau đây gọi tắt là “Nghị định 122”), hành vi chủ hộ đăng ký kinh doanh nhiều hơn một Hộ kinh doanh sẽ bị áp dụng mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Việc tuân thủ quy định về số lượng Hộ kinh doanh mà một cá nhân có thể đăng ký không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh mà còn tránh các rủi ro pháp lý có thể phát sinh cho Chủ hộ.

Sắp tới sẽ có nhiều quy định pháp luật sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cho loại hình Hộ kinh doanh này nhằm đảo bảo nghĩa vụ tài chính, thuế và quản lý Nhà nước. D&P Legal sẽ cập nhật đến Bạn trong các Bài viết sau.

Hy vọng Bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn về quy định pháp luật đối với Hộ kinh doanh. Nếu cần thành lập với mô hình này, đừng ngần ngại liên hệ với D&P Legal Bạn nhé.

Để lại một bình luận