Thực tế vì quen biết và tin tưởng, nhiều người cho người khác vay tiền mà không cần bất cứ giấy tờ gì chứng minh; thậm chí, trong trường hợp có giấy tờ chứng minh nhưng giấy tờ này không đủ điều kiện tối thiểu theo luật định thì cũng gây nhiều rủi ro cho bên cho vay khi muốn đòi lại tiền.
Do đó, D&P Legal xin trình bày những thông tin tối thiểu bên cho vay cần lưu giữ và các rủi ro có thể xảy ra khi cho vay, cụ thể như sau:
1. NỘI DUNG TỐI THIỂU NÊN CÓ TRONG GIẤY TỜ CHỨNG MINH CÓ QUAN HỆ VAY TIỀN?
1.1 Thông tin bên cho vay;
1.2 Thông tin bên vay;
1.3 Số tiền cụ thể;
1.4 Lãi suất (nếu có);
1.5 Thời hạn trả (thông tin này rất quan trọng);
1.6 Lời xác nhận đã nhận đủ số tiền vay (hoặc một nội dung tương tự);
1.7 Chữ ký hoặc điểm chỉ của bên vay.
HOẶC bên cho vay có thể chuyển khoản số tiền cho vay vào chính số tài khoản ngân hàng của bên vay (có ghi thêm nội dung 1.4 và 1.5).
Cùng một số phương pháp khác (có thể gọi là “thủ thuật”) nhằm bảo vệ bên vay, có thể thực hiện trước hoặc sau khi cho vay.
2. CÁC RỦI RO KHI CHO VAY
2.1 Vay tiền không giấy tờ chứng minh hoặc giấy tờ không đủ thông tin tối thiểu thì cũng không đủ điều kiện khởi kiện ra Tòa án.
2.2 Trong trường hợp Tòa án chấp thuận thụ lý vụ án thì bên cho vay cũng tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc (án phí, lệ phí Tòa án, chi phí khác) để theo đuổi vụ việc.
2.3 Giả sử có Bản án rằng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (tức là bên cho vay thắng kiện) thì đến giai đoạn Thi hành án, liệu bên vay có còn đứng tên tài sản hay khoản tiền nào để thi hành án hay không? Hay bên vay đã “tẩu tán” tài sản bằng hình thức “sang tên” cho người thân? Cần hết sức lưu ý rằng, “thắng kiện” chưa chắc đã đòi lại được tiền.
2.4 Thêm vào đó, thực tế có rất nhiều trường hợp bên cho vay vì quá nóng vội và tức giận đã tìm đến bên vay để đâm chém, đánh đập, đe dọa, lấy/ đập phá đồ đạc, tài sản, v.v… trong trường hợp này, bên cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về: Tội giết người, Tội đe dọa giết người, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội cướp tài sản, Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, v.v… Như vậy, bản thân bên cho vay đã không đòi được tiền mà lại còn bị phạm tội hình sự (có thể chịu hình phạt tù).
Và còn rất nhiều rủi ro khác nữa.
Tóm lại, về nguyên tắc, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” – bên cho vay nên tìm hiểu rõ quy định pháp luật và tự bảo vệ mình trước khi rủi ro xảy ra.
(Ảnh minh họa: nguồn smartearningmethods.com)