Ngày 26/03/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (hay còn gọi là “Shark Thuỷ”) – một trong những “chủ nhân” của chiếc ghế nóng trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi theo dõi thông tin vụ việc qua các trang báo chính thống, D&P Legal xin phép chia sẻ tóm tắt một số vấn đề về pháp lý liên quan đến vụ việc này như sau:
1. Tóm tắt vụ việc:
(i) Từ năm 2017 – 2022, Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup (sau đây gọi là “Egroup”) tiến hành huy động vốn đầu tư với mức lãi suất hấp dẫn là 15%/ năm thông qua các “Hợp đồng hợp tác đầu tư”. Để thu hút nhiều nhà đầu tư, ông Thuỷ đã lừa dối các nhà đầu tư về tình hình tài chính của doanh nghiệp, về tính khả thi của các dự án, kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Sau khi nhận được tiền, ông Thuỷ sử dụng tiền không đúng mục đích, dẫn tới mất khả năng thanh toán, hoàn toàn không có khả năng chi trả cho khách hàng.
(ii) Việc huy động vốn cho Egroup được ông Thuỷ tiến hành thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Nhà đầu tư đã tiến hành ký kết với Egroup các hợp đồng về vay vốn, bán cổ phần, thế chấp cổ phần,… đồng thời nộp cho ông Thuỷ hàng trăm tỷ đồng và nhận được các cam kết về việc trả lãi suất cao đúng như trên hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, ông Thuỷ sử dụng tiền không đúng mục đích, dẫn tới mất khả năng thanh toán, hoàn toàn không có khả năng chi trả cho khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nhận được bất kỳ khoản tiền nào cho hoạt động huy động vốn nêu trên.
(iii) Sau khi xác minh đơn tố giác tội phạm của nhiều nhà đầu tư, ngày 26/03/2024 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Ngọc Thuỷ về “hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.
2. Bình luận về định tội và hình phạt
– Về tội danh: Hành vi của ông Thuỷ thoả mãn các yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Các yếu tố cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông Thuỷ:
+ Về mặt khách quan:
Hành vi khách quan: Ông Thuỷ dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối. Trong trường hợp này, ông Thuỷ đã dùng thủ đoạn gian dối bằng cách đưa ra thông tin không đúng sự thật về tình hình tài chính công ty, tính khả thi của những dự án để các nhà đầu tư tin tưởng và góp vốn. Thông qua các hợp đồng dưới hình thức tiền gửi, ông Thuỷ đã huy động vốn của các nhà đầu tư và cam kết trả lãi suất cao, đúng hứa hẹn. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Thuỷ hoàn toàn không có khả năng để chi trả cho các nhà đầu tư.
Về hậu quả: Hành vi của ông Thuỷ gây thiệt hại về tài sản của các nhà đầu tư. Giá trị tài sản chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng của hơn 171 nhà đầu tư.
Về mối quan hệ nhân quả: Hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của ông Thuỷ là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại về tài sản cho các nhà đầu tư.
+ Về mặt khách thể: Hành vi của ông Thuỷ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các nhà đầu tư trong vụ việc trên.
+ Về mặt chủ quan: Ông Thuỷ thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Ông nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.
+ Về mặt chủ thể: Ông Thuỷ có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
– Về khung hình phạt: Theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì phải chịu khung hình phạt cao nhất là “tù chung thân”.
Trong khi đó, giá trị tài sản mà ông Thuỷ lừa đảo để chiếm đoạt cho đến hiện nay ước tính là hàng trăm tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá trị tài sản chiếm đoạt cao nhất mà pháp luật hình sự hiện hành quy định.
Vì vậy, ông Thủy có thể phải chịu hình phạt cao nhất là “tù chung thân” cho chuỗi các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nêu trên.
(Trích dẫn Cơ sở pháp lý có liên quan, được đính kèm)