Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 với rất nhiều điểm mới về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng… Trong trường hợp người dân khai báo tạm vắng từ ngày 06/7/2021, cần lưu ý các vấn đề sau đây:
1️⃣ Trường hợp nào công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng?
TH1: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
TH2: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
TH3: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
TH4: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp trên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
2️⃣ Hồ sơ khai báo tạm vắng gồm những gì?
– Đối với công dân thuộc TH1, TH2:
+ Đề nghị khai báo tạm vắng;
+ Văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người khai báo tạm vắng.
– Đối với công dân thuộc TH3, TH4:
+ Nội dung khai báo tạm vắng gồm: họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.
3️⃣ Để khai báo tạm vắng người dân thực hiện như thế nào?
– Đối với công dân thuộc TH1, TH2 nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú.
– Đối với công dân thuộc TH3, TH4 được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
+ Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
+ Số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
+ Trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
+ Ứng dụng trên thiết bị điện tử.
❗Nếu công dân thuộc TH4 là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.
4️⃣ Gia đình tôi thường trú ở Biên Hòa, Đồng Nai. Sắp tới con tôi sẽ học Đại học ở TP.HCM. Vậy con tôi có bắt buộc phải khai báo tạm vắng ở Đồng Nai trước khi đăng ký tạm trú ở TP.HCM không?
Vì khai báo tạm vắng không phải là điều kiện “cần” để đăng ký tạm trú nên con bạn KHÔNG bắt buộc phải thực hiện. Như bài viết trước có đề cập, phải đăng ký tạm trú khi bạn đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên. Thêm nữa, nếu đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới thì bạn không cần khai báo tạm vắng tại nơi thường trú.
Ảnh minh họa: thukyluat.vn
⚜D&P hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn!
🔅Truy cập Fanpage để cập nhật thêm nhiều thông tin pháp lý khác./.