1. Giải thích từ ngữ
Tại Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình (“Luật HNGĐ”) có quy định về ly hôn thuận tình như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Do đó, Ly hôn thuận tình cần đảm bảo được hai điều kiện:
(i) Việc cả hai vợ chồng cùng thỏa thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân một cách tự nguyện.
(ii) Cả hai bên đều đã đạt được thỏa thuận về các vấn đề như chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Vậy thuận tình ly hôn là kết quả của sự đồng thuận giữa hai bên mà không có tranh chấp.
2. Trình tự và thời hạn
Bước 1: Nộp hồ sơ giải quyết ly hôn
Vợ chồng chuẩn bị hồ sơ và cùng ký tên vào mẫu Đơn ly hôn thuận tình nộp cho Toà án cấp huyện nơi cư trú của vợ hoặc chồng theo thỏa thuận bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua bưu điện.
Việc nộp đơn ly hôn ở đâu cũng là một trong những việc hai vợ chồng có thể thỏa thuận. Khi đó, hai người có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục (điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành (“BLTTDS”)).
Hồ sơ ly hôn có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điện (khoản 1 Điều 191 BLTTDS).
Bước 2: Tòa án thụ lý đơn
Sau khi nhận được đơn và hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết.
Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người yêu cầu. Trường hợp nhận đơn yêu bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người yêu cầu qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác (Khoản 1 Điều 366 BLTTDS). Nếu hồ sơ đủ điều kiện, Thẩm phán sẽ ra thông báo về nộp lệ phí và trong vòng 05 ngày làm việc, hai vợ chồng tiến hành nộp tiền tạm ứng lệ phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp quận/huyện và nộp lại biên lai nộp tiền cho Tòa án.
Trong thời gian chuẩn bị này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp giải quyết và tiến hành mở phiên họp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Bước 3: Hòa giải tại Tòa án và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Tòa án sẽ tiến hành thụ lý Đơn ly hôn và tổ chức phiên hòa giải giữa hai vợ chồng (Điều 397 BLTTDS):
Trường hợp hòa giải thành thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của hai người.
Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.
*Lưu ý: Hôn nhân là quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Do đó, đối với việc ly hôn nói chung và ly hôn thuận tình nói riêng thì vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác mà phải tự mình đến Tòa để tham gia phiên hòa giải và phiên họp giải quyết việc ly hôn thuận tình (Điều 39 BLDS).
Vợ/chồng yêu cầu thuận tình ly hôn cần phải có mặt để giải quyết việc thuận tình ly hôn (khoản 2 Điều 367 BLTTDS). Vợ/chồng có thể vắng mặt tại phiên họp giải quyết tối đa 1 lần nếu có đơn đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt. Do đó, khi ly hôn thuận tình, vợ chồng vẫn phải có mặt tại Tòa ít nhất 01 lần để xác nhận về sự tự nguyện ly hôn cũng như là thống nhất về các vấn đề liên quan trong quan hệ hôn nhân của cả hai. Như vậy, nếu vợ chồng thỏa thuận ly hôn mà vắng mặt Tòa án sẽ không giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Nếu đương sự vẫn muốn giải quyết ly hôn thì phải tiến hành theo thủ tục đơn phương ly hôn.
Do đó, tổng thời gian giải quyết việc thuận tình ly hôn sẽ từ 02 – 03 tháng tuỳ vào từng trường hợp. Tuy nhiên, trong thực tế cần thời gian để các bên chuẩn bị/bổ sung đủ hồ sơ, thủ tục thì việc ly hôn thuận tình có thể kéo dài hơn đôi chút.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị
Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được xác định là việc dân sự (khoản 2 Điều 29 BLTTDS). Do đó, để được Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn thuận tình, vợ chồng cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản cần thiết gồm:
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính). Nếu không giữ hoặc mất thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn trước đó để cấp bản sao;
CCCD của vợ và chồng (bản sao có chứng thực). CCCD của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế;
Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).