You are currently viewing VỐN ĐIỀU LỆ 500.000 TỶ VÀ BÀI TOÁN VỀ VIỆC GÓP VỐN

VỐN ĐIỀU LỆ 500.000 TỶ VÀ BÀI TOÁN VỀ VIỆC GÓP VỐN

Theo số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, có hai doanh nghiệp vừa được đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại TP.HCM với số vốn điều lệ (VĐL) đăng ký tương ứng là 500 nghìn tỷ đồng và 25 nghìn tỷ đồng. Hai doanh nghiệp này đăng ký thành lập ngày 20/5/2021 và có chung một đại diện theo pháp luật. Việc đăng ký VĐL quá lớn đã khiến nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đến quy định của pháp luật về VĐL khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ đề cập 05 vấn đề liên quan đến VĐL của doanh nghiệp.

1️⃣ Bản chất VĐL:

Vốn điều lệ là cơ sở cho việc xác định tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các chủ thể trong doanh nghiệp. Dựa vào mức góp để xác định quyền lợi như: phân chia tỷ lệ lợi nhuận theo tỉ lệ vốn góp, các cổ đông có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp; và nghĩa vụ liên quan đến các khoản nợ, trách nhiệm tài sản. Ngoài ra, vốn điều lệ còn là cơ sở để xác định xem doanh nghiệp đó có đủ điều kiện để kinh doanh trong lĩnh vực mà mình đăng ký hay không.

2️⃣ Mức vốn góp tối đa và tối thiểu:

Pháp luật hiện hành không có quy định về mức VĐL tối đa, tức là chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định mức vốn góp vào doanh nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh. Đồng thời, nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường không yêu cầu vốn pháp định, thì theo luật không quy định mức vốn tối thiểu để thành lập công ty. Còn nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định để hoạt động, thì vốn tối thiểu để thành lập công ty chính là bằng với mức quy định của ngành nghề kinh doanh đó.

3️⃣Cá nhân được góp vốn bằng tiền mặt:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC về hình thức thanh toán trong góp vốn, theo đó việc góp vốn của doanh nghiệp/ tổ chức không được sử dụng tiền mặt, được sử dụng hình thức thanh toán tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư. Theo đó, nếu cá nhân tiến hành góp vốn thành lập doanh nghiệp có thể góp vốn bằng tiền mặt.

4️⃣Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ góp vốn:

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong vòng tối đa 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp phải thanh toán đủ số VĐL đã đăng ký. Trong trường hợp, sau thời hạn nói trên các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số vốn đã đăng ký, doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.

5️⃣Về xử phạt hành chính:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký. Đồng thời, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP là buộc đăng ký điều chỉnh lại VĐL theo số vốn góp thực tế.

Như vậy, theo quy định trên thì một doanh nghiệp không góp hoặc góp không đủ VĐL đã đăng ký sẽ có 03 trường hợp sau:

Không đăng ký điều chỉnh VĐL sẽ bị xử phạt;

đăng ký điều chỉnh VĐL nhưng ngoài thời hạn luật định sẽ bị xử phạt;

đăng ký điều chỉnh VĐL trong thời hạn luật định sẽ không bị xử phạt.

📍Tóm lại, mặc dù pháp luật không quy định mức góp tối đa đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng như không quy định xử phạt nếu không góp đủ vốn đã đăng ký. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp cần phải có sự quan tâm đúng mức về VĐL. VĐL là một trong những cơ sở quan trọng để doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động kinh doanh, xác định quyền và nghĩa vụ của các thành viên góp vốn.

D&P hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn!

🔅Truy cập Fanpage để cập nhật thêm nhiều thông tin pháp lý khác./.

Để lại một bình luận