✅ Cơ sở pháp lý
– Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS)
– Bộ Luật Dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLDS)
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (gọi tắt là Nghị định 167)
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (gọi tắt là Nghị định 15)
💭 Khái niệm vu khống theo góc nhìn pháp luật hình sự
Vu khống là hành vi cố ý của cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự nhằm hướng đến một cá nhân cụ thể khác.
Về hành vi: Gồm một trong các hành vi sau đây:
Có hành vi bịa đặt: hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc.
Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt: hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác nhưng biết rõ điều đó là bịa đặt nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt
Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện một tội phạm nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước, mặc dù thực tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.
Về hậu quả: Vu khống người khác gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị vu khống.
✔ Làm gì khi bị vu khống?
Tùy vào mức độ hậu quả mà người bị vụ khống có quyền lựa chọn:
+ Nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi và cải chính công khai theo quy định của pháp luật; hoặc
+ Tố giác (có thể tới nơi báo trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, điện thoại, email hoặc phương tiện thông tin khác) tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác mà họ thấy thuận tiện để truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc
+ Đề nghị công an cấp xã, công an cấp huyện xem xét xử phạt hành chính.
👮♂️ Vu khống người khác sẽ có thể bị xử lý như thế nào?
1️⃣ Trách nhiệm dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 BLDS thì: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Cho nên, người thực hiện hành vi vu khống gây thiệt danh dự, nhân phẩm, uy tín phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại Điều 592 BLDS quy định cụ thể như sau:
– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại được liệt kê phía trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy khi có thiệt hại xảy ra, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường từ người có hành vi gây thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự như trên.
2️⃣ Trách nhiệm hình sự
Người phạm tội tùy theo mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi vu khống mà mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành ba khung, cụ thể được quy đinh tại Điều 156 BLHS như sau:
- Trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản nêu ở mặt khách quan thì người phạm tội bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm được áp dụng đối với một trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
- Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm được áp dụng đối với một trong các trường hợp:
- Vì động cơ đê hèn;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Làm nạn nhân tự sát
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3️⃣ Trách nhiệm hành chính
Căn cứ Điều 5 Nghị định 167 thì:
- Bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
- Bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật nếu viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân khác.
Căn cứ Nghi định 15 thì:
- Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật nếu cá nhân sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật nếu cá nhân sử dụng trang thông tin điện tử để đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
Trên thực tế rất dễ bắt gặp những hành vi vu khống người khác. Hành vi vu khống có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau như: truyền miệng, viết bài, viết đơn tố cáo nặc danh, … Điều này khiến cho nạn nhân của những hành vi vu khống chịu những tổn thất nặng nề về tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển của Internet mà ở đó các trang mạng xã hội vô hình chung trở thành diễn đàn bàn tán những thông tin chưa được kiểm chứng, sai lệch nhằm công kích, hướng đến một cá nhân, tổ chức nhất định. Trong một thời gian dài điều này có thể dẫn dắt dư luận theo nhiều chiều hướng khác nhau, không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Cá nhân, tổ chức bị vu khống có thể trở thành nạn nhân của “búa rìu dư luận”. Cho nên, việc pháp luật đưa ra các hình thức xử lý khác nhau tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vu khống là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Cần có mức phạt “cứng rắn” để đủ sức răn đe và ngăn chặn các cá nhân thực hiện hành vi vu khống người khác.
_____________________
Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn
⚜D&P hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn!
🔅Truy cập Fanpage để cập nhật thêm nhiều thông tin pháp lý khác./.